Phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ: Bác tất cả các kháng cáo, Tòa tuyên y án sơ thẩm

Thứ Sáu, 01/10/2021, 08:27 [GMT+7]
    Chiều 29/9, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
 
    Phiên tòa phúc thẩm này có 6 bị cáo kháng cáo gồm: Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - Công ty PVB; Phạm Xuân Diệu, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án, Công ty PVB; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Thương mại, Công ty PVB; Lê Thanh Thái, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty PVB; Hoàng Đình Tâm, nguyên Kế toán trưởng Công ty PVB.
 
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
    Trên cơ sở đánh giá tính chất hành vi, hậu quả tội phạm, cũng như nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Lê Thanh Thái. Tòa phúc thẩm cũng không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự của các bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Hoàng Đình Tâm.
 
    Tòa án phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với: Bị cáo Vũ Thanh Hà 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù và Lê Thanh Thái 24 tháng tù. Bị cáo Lê Thanh Thái còn kháng cáo xin hưởng án treo. Tuy nhiên, do bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị xét xử theo khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự nhưng đã được áp dụng mức hình phạt theo khoản 1 Điều 224 Bộ luật Hình sự là rất có lợi cho bị cáo nên kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo cũng không được chấp nhận.
 
    Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đều là người có năng lực, quyền hạn, giữ vị trí chủ chốt quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được tin tưởng giao cho quản lý vốn và tài sản quốc gia. Biết rõ quy trình đấu thầu và năng lực của nhà thầu PVC không đạt, các bị cáo vẫn chấp thuận cho thực hiện, khiến dự án Ethanol Phú Thọ dang dở suốt 8 năm, chưa hoàn thiện hạng mục nào, làm lãng phí nguồn lực kinh tế - xã hội nghiêm trọng.
 
    Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Công ty PVB với mức hơn 543 tỷ đồng. Đây là toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà Công ty PVB đã trả và còn phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố.
 
    "Dựa trên vai trò của từng bị cáo trong vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức bồi thường dân sự là hợp lý, không có căn cứ để miễn giảm" - Tòa phúc thẩm nêu quan điểm.
 
    Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm cũng bác kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Mai Phương về việc không đồng ý giao quyền chuyển nhượng sử dụng lô đất 3.400 m2 ở Tam Đảo cho PVC. Theo đó, Tòa nhận thấy mảnh đất được mua bằng tiền của PVC, được sử dụng trái pháp luật, chủ trương góp vốn chỉ là hình thức để Trịnh Xuân Thanh che giấu hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Theo Tòa phúc thẩm, PVC là Công ty cổ phần có vốn của nhà nước, do đó mảnh đất 3.400 m2 là tài sản của Nhà nước. Tòa sơ thẩm tuyên PVC có quyền quản lý, sử dụng là hợp lý. Do đó, nội dung kháng cáo này sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu khởi kiện, như bản án sơ thẩm đã nêu.
                                                                                            Xuân Tùng 
                                                                                            (TTXVN)
.