Ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Thứ Năm, 16/01/2020, 11:43 [GMT+7]
    Ngày 08/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại.
 
    Nghị định quy định các công việc Thừa phát lại được làm là: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
    Những việc Thừa phát lại không được làm, đó là: Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng. Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình.
 
    Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại đều bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
 
    Nghị định có các quy định về Thừa phát lại bao gồm: Các tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thừa phát lại; đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài; quy định về tập sự hành nghề Thừa phát lại; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại; bổ nhiệm Thừa phát lại; bổ nhiệm lại Thừa phát lại; quy định những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại; tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; miễn nhiệm Thừa phát lại; đăng ký hành nghề và cấp, thu hồi, cấp lại Thẻ Thừa phát lại; quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại.
 
    Về Văn phòng Thừa phát lại được quy định, đó là: Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Nghị định này, phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định này. 
 
    Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này.
 
    Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định về quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; chế độ thông tin, báo cáo; thành lập Văn phòng Thừa phát lại; đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; thông báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại; quy định về việc chuyển đổi loại hình Văn phòng Thừa phát lại; hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại; quy định việc chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; chấm dứt hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; 
 
    Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây: Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện. Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
 
    Bên cạnh đó, quy định việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Thông báo kết quả tống đạt.
 
    Về việc lập vi bằng, Nghị định quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng; các trường hợp không được lập vi bằng; thỏa thuận về việc lập vi bằng; thủ tục lập vi bằng; hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng; sửa lỗi kỹ thuật vi bằng; cấp bản sao vi bằng.
 
    Vấn đề xác minh điều kiện thi hành án dân sự quy định cụ thể về: Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án; thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án; thủ tục xác minh điều kiện thi hành án; từ chối cung cấp thông tin; bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án; sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án; ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
 
    Vấn đề thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự được quy định cụ thể về: Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; quyền yêu cầu thi hành án; thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án; quyết định thi hành án; thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại; chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại; hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án; thanh toán tiền thi hành án; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án.
 
    Ngoài ra, Nghị định còn quy định về việc chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại; về quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.
 
    Nghị định có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.
Thu Hà
.