Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đảm bảo an ninh con người theo quan điểm của Đảng, Nhà nước

Thứ Bảy, 02/07/2022, 06:17 [GMT+7]

    An ninh con người là trung tâm trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, là mục tiêu xây dựng quốc gia vững mạnh, hùng cường. Bài viết phân tích và làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, nhất là theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh hiện nay.

    1. An ninh con người và bảo đảm an ninh con người là những khái niệm mới được hình thành trên cơ sở phát triển tư duy về sự mở rộng nội hàm an ninh quốc gia. Trên thế giới, khái niệm an ninh con người được đề cập đầy đủ, toàn diện lần đầu tiên tại Báo cáo phát triển con người thuộc khuôn khổ Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) năm 1994. Trong đó, Báo cáo chỉ rõ: “An ninh con người là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày”(1). Báo cáo cũng chỉ rõ 4 đặc trưng cơ bản của an ninh con người gồm: An ninh con người mang tính chất phổ biến; những yếu tố tạo thành, tác động, ảnh hưởng đến an ninh con người đều có mối quan hệ phụ thuộc, tác động, chuyển hóa lẫn nhau; các nguy cơ, yếu tố tác động đến an ninh con người phải được sớm ngăn chặn; an ninh con người đang được hầu hết các nhà nước - dân tộc xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực và luôn là trung tâm của sự phát triển bền vững. An ninh thế giới, an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng và an ninh con người đều có mối quan hệ với nhau và đều vì con người và cho con người(2). Bên cạnh đó, theo UNDP, an ninh con người gồm 7 thành tố: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị(3).

    Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về an ninh con người(4). Dù có một số điểm khác nhau về cách tiếp cận, tuy nhiên, các nghiên cứu đều khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và an ninh con người: Bảo đảm được an ninh con người là góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và ngược lại, nếu an ninh con người không được bảo đảm, an ninh quốc gia bị đe dọa, sức mạnh quốc gia đó bị suy giảm.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương
    2. Tại Việt Nam, thuật ngữ an ninh con người và đảm bảo an ninh con người lần đầu tiên được đề cập tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người” và “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”(5). Mặc dù đưa ra muộn gần 22 năm so với Liên hợp quốc, nhưng trên thực tế việc đảm bảo an ninh con người, lấy con người làm trung tâm, là động lực của sự phát triển đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện trong các giai đoạn cách mạng trước. Đặc biệt, đến Đại hội XIII của Đảng, vấn đề an ninh con người và bảo đảm an ninh con người được đề cập sâu sắc, toàn diện theo một tư duy, nhận thức mới. Có thể thấy, quá trình hình thành, phát triển nhận thức về an ninh con người và bảo đảm an ninh con người của Đảng, Nhà nước ta có thể chia thành 03 giai đoạn:
 
    - Giai đoạn trước Đại hội XII
    Trước Đại hội XII, mặc dù chưa đề cập trực tiếp về an ninh con người nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn xác định nhân tố con người vừa là mục tiêu, là động lực của phát triển của đất nước. Ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước Việt Nam non trẻ đã xác định và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 02/9/1945 đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(6).
 
    Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) tại Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định, một trong sáu đặc trưng của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(7). Điều đó cho thấy, xây dựng và phát triển con người luôn là bản chất của chế độ cũng như mục tiêu trong xây dựng, phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta. 
 
    Theo đó, an ninh con người gắn với giải phóng giai cấp khỏi áp bức, bóc lột và đảm bảo các điều kiện sống. Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nhân tố con người trong phát triển đất nước, tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”; “Lấy việc phát huy nguồn lực con người là yếu tố phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(8). Đại hội lần thứ IX tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh “nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, “mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”(9).
 
    Đại hội XI, Đảng đưa ra nhận định đảm bảo an ninh con người là “bảo đảm con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”; xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”(10).
 
    Có thể thấy, giai đoạn này, đảm bảo an ninh con người chủ yếu được nhìn nhận dưới khía xây dựng và phát triển con người Việt Nam trên các khía cạnh văn hóa, đạo đức, trí tuệ, thể chất. Theo cách tiếp cập trên, trong giai đoạn này, để đảm bảo an ninh con người, Đảng, Nhà nước ta cho rằng cần thực hiện một số giải pháp như đổi mới, phát triển mạnh mẽ giáo dục; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm xây dựng về tư tưởng đạo đức, lối sống; đẩy mạnh kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo…
 
    - Đại hội XII (2016-2020) Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên đưa thuật ngữ an ninh con người vào trong Văn kiện Đại hội. Mặc dù chưa có sự đề cập sâu, toàn diện, nhưng Đại hội XII cũng đã có những đổi mới, bổ sung nhận thức về an ninh con người và bảo đảm an ninh con người; cụ thể:
 
    Đại hội XII đề ra mục tiêu “phát triển con người toàn diện”, xác định đây là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN”(11). Đây là một bước tiến quan trọng về lý luận của Đảng ta khi không chỉ coi trọng vấn đề phát triển con người về mặt nhận thức, mà còn biến đó thành nhiệm vụ, thành hoạt động thực tiễn cần phải được thực hiện đồng thời với các nhiệm vụ quan trọng khác trong công cuộc phát triển đất nước. Đại hội XII xác định đảm bảo an ninh con người là đảm bảo trên các khía cạnh đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”(12). Bên cạnh đó, Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh các giải pháp để đảm bảo an ninh con người cần: Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”(13). Như vậy, trong các giải pháp về bảo đảm an ninh con người, bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo…, Đại hội XII đã bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là phát huy quyền làm chủ nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết nhân tộc. Đây là sự phát triển thống nhất và cụ thể hóa quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
 
     Bên cạnh đó, tại Đại hội XII, Đảng đã xác định việc bảo đảm an ninh con người phải gắn liền với nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa. Đây là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa sau 30 năm đổi mới. Tại các Đại hội trước, lĩnh vực văn hóa được xác định là lĩnh vực riêng, chưa gắn liền với vấn đề con người. Tuy nhiên, Đại hội XII tiếp tục khẳng định, với phương hướng phát triển văn hóa là “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người”. Đó là chủ trương phù hợp và đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn. Điều này có thể được giải thích bởi văn hóa và con người là hai yếu tố song hành, có mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy, tác động lẫn nhau. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm của chính nền văn hóa đó. Nói đến văn hóa là nói đến con người và ngược lại. Cho nên, việc xây dựng, phát triển văn hóa không thể tách khỏi xây dựng, phát triển con người. Chính vì vậy, cốt lõi của xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp. Bảo đảm an ninh con người là bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng.
 
    - Đại hội XIII của Đảng: 
    Đại hội XIII có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy an ninh con người theo hướng, để phát bảo đảm an ninh con người cần phải kết hợp giữa yếu tố an ninh và phát triển. Đây là sự đổi mới về quan điểm so với giai đoạn trước. Theo đó, an ninh con người được xác định là một thành tố trong an ninh quốc gia, có mối quan hệ mật thiết với an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng… Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ an ninh con người và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”(14).
 
    Ngoài ra, Đại hội XIII đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và là động lực phát triển quan trọng của đất nước. Kế thừa quan điểm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XIII đã phát triển lên một tầm cao mới nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh của nhân tố con người trong xây dựng, phát triển đất nước, coi đây là nguồn lực quan trọng nhất của một quốc gia: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững”(15).
 
    Để nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm an ninh con người, Đại hội XIII cho rằng cần phải: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa(16). Không chỉ xác định con người và an ninh con người là trung tâm của mọi hoạt động, Đảng ta còn nhấn mạnh bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh hiện nay bằng các biện pháp mới hơn, mạnh hơn đó là phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh
thời đại. 
 
    Đại hội XIII cũng xác định nâng cao chất lượng công tác quản lý xã hội theo hướng công bằng, dân chủ, tiến bộ là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm an ninh con người “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”(17).
 
    Là trung tâm của chiến lược phát triển, nên an ninh con người được đề cập toàn diện trong nhiều nội dung, lĩnh vực, bao quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phát triển con người. Trong số 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, có 02 định hướng đề cập “an ninh con người”, cụ thể: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” và “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”(18).
 
    Như vậy, an ninh con người được Đại hội XIII thể hiện rõ nét cả trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; về những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và trong nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt là được mở rộng và thể hiện một cách bao trùm trong tất cả các mặt của cuộc sống của con người và các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế…  Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh mới mà quan trọng hơn là từng bước làm cho vấn đề an ninh con người được lan tỏa trong toàn xã hội.
 
    3. An ninh con người là chủ đề nóng của mọi diễn đàn trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm. Các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập nổi lên làm gia tăng những ứng xử cực đoan, cường quyền trong quan hệ quốc tế. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Để bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, cần:
 
    Một là, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Cần xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực… Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ. Xây dựng bộ máy trong sạch, tinh gọn, vững mạnh, là chỗ dựa, tin cậy vững chắc của nhân dân. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước vững mạnh cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ, tư duy chiến lược, thực sự là “công bộc của dân”. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cửa quyền, hách dịch làm suy giảm sức mạnh của bộ máy và lòng tin của nhân dân, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh con người trong tình hình mới.
 
    Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để bảo đảm an ninh con người bền vững cần phải xây dựng và phát triển một nền kinh tế ổn định, chất lượng, năng suất, hiệu quả; kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; cụ thể: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại; (2) Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam; (3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin…
 
    Ba là, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. Tập trung phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững, vì con người, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, cùng nhau phát triển. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm nhu cầu tối thiểu về nhà ở, trường học, các trang thiết bị y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, nước sinh hoạt… 
    
    Bốn là, bảo đảm quyền con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách, nhằm điều tiết hài hòa các mối quan hệ xã hội, trên cơ sở đó bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chủ động xây dựng các “giá trị cốt lõi”, điều kiện tốt nhất nâng cao khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế và con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân, thực hiện công bằng xã hội. Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc và cả thể lực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định, an sinh xã hội tốt nhất, kinh tế phát triển bền vững.
 
    (1) United Nations Development Programme (UNDP) Human Developmemt Report 1994, Oxford University Press, New York, P.23.
    (2) Tài liệu đã dẫn.
    (3) Tài liệu đã dẫn.
    (4) Điển hình như Nhật Bản, an ninh con người được định nghĩa là việc giữ gìn và bảo vệ cuộc sống và phẩm giá của cá nhân con người. Nhật Bản quan niệm an ninh con người chỉ có thể được bảo đảm khi cá nhân đó tự tin về một cuộc sống không sợ hãi và thoát khỏi đói nghèo. Đối với Canada, an ninh con người có nghĩa là tự do thoát khỏi các mối đe dọa đối với quyền, sự an toàn hoặc tính mạng của con người.
    (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H.2016, tr.433-434.
    (6) Hồ Chí Minh Toàn tập: Nxb CTQG-ST, H.2011, t.4, tr1.
    (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII.
    (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, tr.147.
    (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.
    (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.
    (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
    (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
    (13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
    (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
    (15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
    (16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr.156.
    (17) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
    (18) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)

 

.