Cơ sở khoa học phương châm "Kiên quyết, kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng" của Đảng ta
Thứ Hai, 04/01/2021, 16:42 [GMT+7]
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, điểm mới và được đặc biệt nhấn mạnh trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng Đảng ta đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(1).
Đây là điểm cơ bản, nổi bật, thể hiện sự phát triển tư duy, nhận thức lý luận ý chí, quyết tâm và sách lược linh hoạt, kiên quyết, kiên trì các biện pháp trong đấu tranh đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, phương châm này xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn sau:
Một là, từ quan điểm của V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm phòng, chống tham nhũng
Không có tác phẩm viết riêng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tuy nhiên, trong các bài nói, bài viết của mình, V.I. Lênin đã trực tiếp đưa ra quan điểm chỉ đạo về cách thức phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xô Viết non trẻ mới được thành lập, V.I. Lênin đã sớm nhận ra tác hại của tham nhũng đối với sự tồn vong của đảng, của chế độ.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020 |
Ngày 2/5/1918, nhân việc Tòa án nhân dân Mátxcơva xử nhẹ một vụ án hối lộ, V.I. Lênin đã kiên quyết chỉ ra: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng” (2).
Cách vài hôm sau, Lênin viết thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai” (3).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân, là tính trục lợi, “là người có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” (4). Vì thế, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(5).
Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí và coi đây như một “nghệ thuật”, nhưng “nghệ thuật” đó không phải dễ: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ. Các cơ quan ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy. Chúng ta còn rất kém về nghệ thuật ấy” (6). Tính nghệ thuật ở đây theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bao hàm cả tính kiên trì.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn gốc của tham nhũng là do tha hóa quyền lực nhà nước, do thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, được Hồ Chí Minh xem xét từ hai phía.
Thứ nhất, là từ phía cán bộ, công chức Nhà nước mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Nguyên nhân là do: “Xa nhân dân... Khinh nhân dân... Sợ nhân dân... Không tin cậy nhân dân... Không hiểu biết nhân dân... Không yêu thương nhân dân… Thậm chí còn lừa phỉnh dân và dọa nạt dân” (7). Thứ hai, “quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ LIÊM”(8). Hơn nữa, Người cho rằng: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”(9) nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”(10). Do đó, đối với “kẻ thù đặc biệt” này, việc phát hiện, đấu tranh, xử lý không phải một sớm, một chiều, một lần là xong mà phải cần kiên trì.
Hai là, từ bài học đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thời gian qua
Về vấn đề này, phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”(11).
Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một số bài học quý, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, một trong sáu bài học đó là: “Thứ hai, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”(12).
Như vậy, kiên quyết và kiên trì có quan hệ chặt chẽ với nhau. Kiên quyết là điều kiện cần và kiên trì là điều kiện đủ, hai nhân tố đó hợp thành một thể hoàn chỉnh, thống nhất. Chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nếu thiếu đi cả hai hoặc một trong hai điều kiện này. Trong đó, kiên quyết biểu thị ý chí, quyết tâm cao độ và thái độ không khoan nhượng không chỉ trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng mà cả những ai còn “chùn bước” trong cuộc chiến này; kiên trì là biểu thị sự bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo trong xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, “đập chuột nhưng không làm vỡ bình”; đặc biệt, không chỉ làm cho tội phạm tham nhũng “tâm phục, khẩu phục” mà còn thu hồi thật nhiều tài sản do tham nhũng mà có. Có thể nói, kiên quyết là tư tưởng chỉ đạo hành động cụ thể, còn kiên trì là phương châm, đối sách, sách lược, cách thức tiến hành đấu tranh nhằm đạt mục tiêu đã xác định; kiên trì hoàn toàn trái nghĩa với sự nóng vội, thỏa hiệp, nhân nhượng với tham nhũng.
“Kiên quyết, kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng” của Đảng ta là phương sách đúng đắn để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất trong tình hình mới. Quán triệt phương châm này của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tinh thần cách mạng tiến công, bằng sức mạnh tổng hợp và mọi biện pháp có thể để thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới theo đúng tinh thần kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa qua và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong thời gian tới.
Sơn Thái
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Chi bộ, Đảng bộ cơ sở), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2020, tr.213
(2) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 36, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.346
(3) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 50, tr.91
(4) (5) (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.127; tr.127 ; tr.127
(6) (7) (9) (10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.365; tr.176; tr.357; tr.357
(11) (12) Dẫn theo https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020
|