Bài học quý, lấy dân làm gốc
Thứ Hai, 03/02/2020, 17:05 [GMT+7]
Một trong những bài học quý, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử gần 35 năm đổi mới, là lấy dân làm gốc, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân để xây dựng, bảo vệ đất nước. Song, tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở,… thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, đòi hỏi chính đáng của nhân dân như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng Đảng chỉ rõ cần có những giải pháp khắc phục. Để thật sự là công bộc của dân như Bác Hồ căn dặn, mỗi cán bộ cần chữa trị bệnh quan liêu, xa dân và không thể để dân xa.
Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân
Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T 8, tr.276).
Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, lấy dân làm gốc,… là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc được Đảng ta vận dụng thành công trong 90 mùa xuân qua. Có Đảng mở đường, chỉ lối, cách mạng mới thành công. Chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra, đã làm nên bao kỳ tích vĩ đại. Không có nhân dân sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận rõ chân lý ngàn đời ấy. Cuối năm 1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.”. Phảng phất âm hưởng Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là tiếng gọi non sông, mang hào khí của một dân tộc anh hùng. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, đồng bào cả nước đồng lòng đi kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội. Cũng tinh thần ấy, khí phách ấy, chúng ta lại “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu giang sơn về một mối. Bao chiến thắng lẫy lừng đó là chiến thắng của nhân nghĩa, của khát vọng hòa bình và cũng là chiến thắng của sức dân, triệu người như một.
Bác Hồ luôn nhấn mạnh sự quan trọng đặc biệt của Nhân dân |
Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Đảng ta coi trọng. Một trong năm bài học mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đúc kết là “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng T.Ư Đảng, năm 2016, tr.69). Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là công lao của gần 100 triệu người dân Việt Nam yêu nước.
Không quan liêu, xa dân và không để dân xa
Dân là gốc, mọi việc làm được hay không là ở nơi dân. Mắc bệnh quan liêu, xa dân sẽ không nắm được dân, thì khó biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Mặt khác, nạn tham nhũng, tiêu cực, thói hách dịch, phiền nhiễu nhân dân là điều đáng quan ngại, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm cho dân mất niềm tin mà xa Đảng, xa cán bộ thì nguy cơ thật khôn lường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Cảnh báo từ rất sớm tình trạng nêu trên, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân” (Sđd, T4, tr57). Nói về bệnh quan liêu, xa dân, Người nhiều lần nhắc nhở, như trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (năm 1947), trong bài Chống nạn giấy tờ (năm 1954). Người chỉ rõ tác hại của việc “Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn” (Sđd, T 5, tr.73). Cho rằng nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều, làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ, Người nhắc nhở, phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế.
Để đẩy lùi bệnh quan liêu, xa dân, không để dân xa, thì không chỉ sâu sát, hiểu dân, tin dân mà cán bộ, đảng viên còn phải có lối sống trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của dân, là chỗ dựa, là niềm tin yêu của nhân dân. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất kỹ: “Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối.” (Sđd, T 7, tr 235). Thực tế, nhiều nơi, nhiều lúc, cán bộ chưa làm được như vậy. Quan liêu, cho nên không nắm được tình hình; ở với dân, nhưng vô cảm, không thấu hiểu nỗi bức xúc của dân. Vì thế, dẫn đến chuyện khiếu kiện vượt cấp, do dân không tin vào cán bộ cơ sở; khiếu kiện đông người vì lợi ích chính đáng của nhân dân bị xâm phạm.
Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, yêu cầu các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nghiêm chỉnh thực hiện. Ban hành Quy định số 08, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị,… chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Vừa kêu gọi tinh thần nêu gương, vừa tăng cường chấn chỉnh, xử lý cán bộ vi phạm theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII là cách làm đồng bộ, bài bản và kiên trì, quyết liệt, có hiệu quả cụ thể. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên T.Ư và nguyên Ủy viên T.Ư Đảng (hai Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng. Một con số chưa từng có trong lịch sử của Đảng ta. Với việc kết hợp giữa “xây” và “chống”, những căn bệnh nêu trên đang được chữa trị tích cực và có nhiều thuyên giảm. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố bền vững, tạo khí thế mới trên hành trình đổi mới và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Thấm nhuần bài học lấy dân làm gốc, ai cũng phải thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Bắc Văn