Thứ Ba, 26/11/2024, 9:42 [GMT + 7]
.
.

Những bất cập của pháp luật phòng, chống tham nhũng hiện hành về công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và phương hướng hoàn thiện

Chủ Nhật, 01/01/2017, 08:04 [GMT+7]
    1. Trong quá trình thực hiện các quy định về công khai, minh bạch theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012, có một số tồn tại sau:
 
    Thứ nhất, về hình thức công khai
    Khoản 1 Điều 12 Luật PCTN quy định 7 hình thức công khai, bao gồm: (1) Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; (4) Phát hành ấn phẩm; (5) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; (6) Đưa lên trang thông tin điện tử; (7) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
    Tuy nhiên, một trong số những hình thức công khai nêu trên cần phải có quy định cụ thể hơn nữa để tránh cách làm tùy tiện tại cơ quan, đơn vị. Cụ thể, hình thức công khai tại cuộc họp rất dễ mang tính hình thức, chịu nhiều rủi ro, bởi người nghe là những người chưa biết được thông tin được công khai, trong khi người chịu trách nhiệm công khai không công bố hết thông tin thì cũng khó có cơ sở phát hiện ra để quy trách nhiệm. Để dự tính trường hợp này, pháp luật quy định cơ quan, tổ chức phải lựa chọn ít nhất 01 hình thức khác trong số 06 hình thức còn lại để công khai. Thông thường, việc lựa chọn hình thức thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cũng thường được lựa chọn bởi đối tượng công khai hẹp, nội dung công khai trong phạm vi văn bản được thông báo, có thể bớt các nội dung không cần thiết công khai... Kết quả là, mặc dù tiến hành công khai nhưng người ngoài, người không liên quan cụ thể đến nội dung công khai khó nắm bắt được kết quả chính xác.
 
    Ngoài ra, chưa kể việc quy định về công khai trên trang thông tin điện tử. Theo Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐCP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định có 05 loại trang thông tin điện tử, bao gồm: Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Như vậy, việc công khai trên trang thông tin điện tử cũng cần phải có quy định cụ thể hơn. Hiện nay, một số văn bản pháp luật khác cũng đã có quy định cụ thể đối với hình thức công khai này (Luật thanh tra, Luật doanh nghiệp...).
 
    Theo thống kê không chính thức (thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nội bộ Bộ Nội vụ), các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thường lựa chọn các hình thức công khai tại cuộc họp, trang thông tin điện tử. Một số trường hợp liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo được công khai đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
    Thứ hai, về nội dung công khai
    - Công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản
    Điều 13 Luật PCTN quy định việc công khai trong mua sắm công và xây dựng cơ bản. Đối với các trường hợp phải đấu thầu thì công khai kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu; danh mục nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu; thông tin về cá nhân, tổ chức thuộc chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý hoặc đối tượng khác vi phạm pháp luật về đấu thầu; thông tin về nhà thầu bị cấm tham gia và thông tin về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu; văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, hệ thống thông tin dữ liệu về đấu thầu; báo cáo tổng kết công tác đấu thầu trên phạm vi toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo tổng kết công tác đấu thầu của bộ, ngành, địa phương và cơ sở; thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu.
 
    Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-62014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu đã quy định nội dung công khai trong đấu thầu; quy định đầy đủ các hình thức lựa chọn nhà thầu và công khai trong đấu thầu trong mua sắm hàng hóa, kể cả đối với các gói mua sắm nhỏ; thời hạn tổ chức đấu thầu được rút ngắn, số lượng nhà thầu tham gia chào hàng không bị khống chế mức tối thiểu (ít nhất 03 nhà cung cấp như trước đây). Việc này giúp đẩy nhanh các gói mua sắm, đặc biệt là mua sắm hàng hóa đặc thù.
 
    Tuy nhiên, việc công khai báo cáo tổng kết công tác đấu thầu không được Luật đấu thầu điều chỉnh. Việc này, hiểu theo góc độ quản lý thì báo cáo tổng kết công tác đấu thầu là báo cáo của cơ quan nhà nước, báo cáo hành chính thông thường và không điều chỉnh giữa chủ đầu tư (cơ quan nhà nước) với nhà thầu (cơ quan, tổ chức khác) với tính chất bình đẳng, điều chỉnh theo hợp đồng. Do đó, không cần thiết quy định tại Luật đấu thầu. Tuy nhiên, cùng một nội dung nhưng nội dung công khai lại quy định tại hai hệ thống văn bản luật khác nhau dẫn đến việc khó áp dụng thống nhất, thực tế triển khai còn vướng mắc, xung đột giữa pháp luật chuyên ngành và pháp luật về PCTN. Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể về việc lập báo cáo tổng kết công tác đấu thầu nên nhiều cơ quan, đơn vị còn nhầm lẫn với báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu, nên đã nhầm lẫn việc công khai báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu. Trên thực tế, báo cáo kết quả thẩm định đấu thầu có tính chất chuyên môn, chi tiết, cụ thể hơn so với báo cáo tổng kết công tác đấu thầu.
 
    - Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng
    Theo quy định của Luật đầu tư công, việc lấy ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng là bắt buộc. Ngoài ra, theo Luật xây dựng thì còn phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Hình thức lấy ý kiến dưới dạng gửi hồ sơ, tài liệu, tổ chức hội thảo, phát phiếu điều tra, phỏng vấn, trưng bày hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi phê duyệt, quy hoạch xây dựng phải được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, người có thẩm quyền còn có thể lựa chọn các hình thức tổ chức hội nghị công bố quy hoạch xây dựng; trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục các panô, bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng các cấp, UBND cấp xã đối với quy hoạch chi tiết xây dựng; in ấn, phát hành rộng rãi bản đồ quy hoạch xây dựng, quy định về quản lý quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
 
    Việc quy định về đối tượng phải công khai là phù hợp với Điều 14 Luật PCTN sửa đổi năm 2012. Theo đó, dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch; dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định; dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai để nhân dân giám sát (báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án).
 
    Tuy nhiên, việc quy định cùng một nội dung ở nhiều văn bản khác nhau, trong khi đó nếu áp dụng việc công khai tại cơ quan, đơn vị phê duyệt dự án như tại Luật PCTN để tiến hành công khai trong trường hợp này là không hợp lý, mà cần công khai tại địa phương, nơi thực hiện quy hoạch (ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị phê duyệt) để nhân dân dễ giám sát.
 
    - Công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp của Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
    Điều 18 Luật PCTN quy định doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch về vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán, việc lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp; việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng.
 
    Đến nay, việc công khai này nhìn chung là chưa đầy đủ so với quy định tại Điều 108, 109 Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Luật doanh nghiệp quy định rõ hình thức công bố trên trang thông tin điện tử đã thể hiện hạn chế của Luật PCTN trong việc điều chỉnh các quy định của Luật chuyên ngành.
 
    - Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
    Điều 27 Luật PCTN và khoản 13 Điều 1 Luật PCTN sửa đổi năm 2012 quy định việc công khai hoạt động về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, các văn bản gồm quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo cần được công khai.
 
    Luật thanh tra cũng đã quy định cụ thể các hình thức công khai, thời gian, địa điểm, thành phần công khai gồm công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra; cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc họp công khai kết luận thanh tra như trên và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai khác (thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng, đưa trang thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở) và cung cấp khi được yêu cầu.
 
    Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu quy định cụ thể về nội dung công khai (công khai toàn văn các văn bản: Quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo hay chỉ công khai một phần, mặc dù có văn bản có thể không có nội dung thuộc bí mật nhà nước như kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo...) đã dẫn đến cách hiểu, áp dụng tùy nghi về nội dung công khai của các cơ quan, đơn vị. Việc này đã đặt ra câu hỏi, có nên chăng phải quy định bắt buộc việc công khai toàn văn các văn bản, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước?
 
    - Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ
    Điều 30 Luật PCTN quy định cụ thể các nội dung phải công khai trong công tác tổ chức - cán bộ, bao gồm: Việc tuyển dụng (công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức và kết quả tuyển dụng); việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác. Phạm vi, hình thức công khai bắt buộc là trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Ngoài ra, phải áp dụng 01 trong 06 hình thức công khai còn lại tại khoản 1 Điều 12 Luật PCTN.
 
    Nghị định số 24/2010/NĐCP ngày 15-3-2010 đã quy định bắt buộc 03 hình thức công khai thông báo tuyển dụng (công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc), 01 hình thức công khai danh sách người đủ điều kiện dự tuyển (niêm yết công khai tại trụ sở làm việc) và 03 hình thức công khai kết quả tuyển dụng (niêm yết công khai tại trụ sở làm việc và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; gửi thông báo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký). Như vậy, với mỗi giai đoạn tuyển dụng khác nhau, việc công khai được quy định khác nhau và phù hợp với thực tế khách quan.
 
    Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, kết quả phân loại đánh giá cán bộ, công chức được thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá. Việc đánh giá này có ảnh hưởng lớn đến việc khen thưởng, cho thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm cán bộ, công chức nhưng nội dung công khai chỉ là thông báo đến người được đánh giá. Do đó, trong quá trình thực hiện còn có vướng mắc, bất bình đẳng giữa cán bộ, công chức với viên chức.
 
    Đối với công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, việc công khai tuy không được quy định ở các văn bản hướng dẫn cụ thể mà chỉ quy định ở Luật PCTN. Tuy nhiên, thông qua các trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại từ việc quy hoạch và lựa chọn nguồn quy hoạch (hoặc giới thiệu của cán bộ, công chức); lấy ý kiến cấp ủy nơi cư trú; họp lấy phiếu tín nhiệm; đề xuất của thủ trưởng trực tiếp, họp lấy ý kiến tập thể lãnh đạo, cấp ủy về công tác bổ nhiệm, có thể thấy được rằng, công tác bổ nhiệm đã được công khai đến toàn thể cơ quan, đơn vị từ cấp sử dụng cán bộ, công chức đến cấp quản lý cán bộ, công chức ở cả cơ quan đảng, chính quyền và công khai tại cấp ủy địa phương nơi cư trú là phù hợp với Luật PCTN. Vấn đề có thể nảy sinh, và dễ thấy là có thể có sự thiếu minh bạch trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đó là việc bỏ phiếu tín nhiệm và ý kiến của tập thể lãnh đạo. Tuy vậy, biên bản họp tập thể lãnh đạo lại không phải là đối tượng phải công khai. Kết quả bổ nhiệm chỉ được biết tại thời điểm thông báo.
    
    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17-122012 của Bộ Nội vụ, hồ sơ công chức được quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật do nhà nước quy định, chỉ những người được cơ quan hoặc người có thẩm quyền quản lý hồ sơ công chức đồng ý bằng văn bản mới được nghiên cứu, sử dụng và khai thác hồ sơ của công chức. Do đó, khi tiến hành bổ nhiệm, công chức chỉ được nghe thông báo về điều kiện, tiêu chuẩn của người dự kiến bổ nhiệm mà không có điều kiện kiểm tra, giám sát.
 
    Về công tác đào tạo, pháp luật không quy định cụ thể các trường hợp phải công khai, hình thức, nội dung công khai trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Luật giáo dục, Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05-3-2010 hướng dẫn về đào tạo, bồi dưỡng và Thông tư số 03/2011/TT-BNV). Do đó, tại các cơ quan, đơn vị thực hiện việc công khai theo Luật PCTN. Quá trình triển khai còn có vướng mắc, đó là. Đối với nội dung cử đi đào tạo không nhất thiết phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân; phát hành ấn phẩm hay đưa lên trang thông tin điện tử bởi một phần ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người đi học, nói rộng ra, có thể vi phạm nhân quyền. Việc niêm yết tại trụ sở và công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị là phù hợp. Hơn nữa, vấn đề đặt ra là thời gian tiến hành công khai, có cần thiết công khai ngay hay tập hợp, công khai trong quý, 06 tháng, năm đào tạo. Khi đó, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất, cần thiết phải có quy định cụ thể về hình thức, nội dung, thời gian, thời hạn công khai công tác đào tạo, bồi dưỡng.
 
    2. Qua phân tích những tồn tại nêu trên, xin đề xuất một số kiến nghị:
 
    Một là, cần rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về công khai, minh bạch.
 
    Việc rà soát, hệ thống hóa thực hiện theo hướng loại bỏ các quy định trùng lặp tại nhiều văn bản, đồng thời quy định cụ thể các trường hợp cần công khai, hình thức, nội dung, thời gian công khai đối với từng hoạt động của cơ quan nhà nước tại Luật PCTN để bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.
 
    Hai là, quy định rõ trách nhiệm công khai, việc công khai các quy định về danh mục bí mật nhà nước trong cơ quan, đơn vị.
 
    Hiện tại, mỗi bộ, ngành, địa phương lại có các danh mục các tài liệu mật riêng. Điều 4 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN đã đặt ra vấn đề về bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, sử dụng phương pháp loại trừ để quy định các danh mục bí mật nhà nước không bao gồm những nội dung bắt buộc phải công khai quy định từ Điều 13-26, 26a, 26b, 26c, 26d, 27-30 và Điều 46a Luật PCTN. Tuy nhiên, như trên đã nêu, có những nội dung quy định tại các luật khác cũng cần thiết phải công khai thì Nghị định này nêu như vậy là vẫn chưa loại trừ đầy đủ. Ví dụ như quy định về công khai nhu cầu tuyển dụng.
 
    Việc công khai danh mục bí mật nhà nước vừa tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt hơn vai trò giám sát việc thực hiện công khai của các cơ quan nhà nước, vừa là cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng lạm dụng hay lách quy định để từ chối quyền chính đáng trong thực hiện quyền giám sát của công dân.
 
    Ba là, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chậm công khai, tổ chức công khai không đầy đủ, không tổ chức công khai về hoạt động của cơ quan, đơn vị.
 
    Hiện tại, pháp luật không quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không công khai đầy đủ về hình thức, nội dung, thời gian của các hoạt động cần công khai. Do đó, khi kiểm tra, phát hiện việc công khai không đầy đủ, không công khai thường chỉ dừng ở mức nhắc nhở. Cuối năm, người đứng đầu cơ quan cấp trên đánh giá người đứng đầu cơ quan cấp dưới ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì chưa có chế tài đầy đủ, không xử lý được các hành vi vi phạm nên việc tuân thủ Luật PCTN về công khai, minh bạch là chưa nghiêm.
 
    Bốn là, bỏ nội dung quy định về quyền được cung cấp thông tin trong Luật PCTN.
 
    Luật tiếp cận thông tin đã được ban hành ngày 06-42016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018 có quy định cụ thể về quyền được tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để bảo đảm không quy định lại, không xung đột với Luật tiếp cận thông tin, cần thiết bãi bỏ nội dung này tại Luật PCTN.
 
    Năm là, xây dựng hệ thống xử lý thông tin đầu - cuối về công việc của cơ quan, đơn vị và nội dung công khai.
 
    Một trong những vấn đề khiến cho việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất đó là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan cấp dưới chỉ phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra. Để kịp thời phát hiện các trường hợp chậm công khai, chưa công khai, cần xây dựng hệ thống xử lý thông tin, trước mắt theo hướng: Nhập liệu các công việc quan trọng của cơ quan, đơn vị (nếu công việc này không được thực hiện thì cơ quan, đơn vị không hoạt động được, ví dụ như về vốn, ngân sách, giao thực hiện nhiệm vụ thường xuyên). Hệ thống sẽ tự đánh giá kết quả công khai đối với công việc này ở cuối kỳ (trong thời gian 06 tháng hoặc 01 năm).
 
    Sáu là, thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức về công khai, minh bạch.
 
    Mỗi cán bộ, công chức phải coi việc thực hiện công khai, minh bạch trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình vừa là cơ hội để tự hoàn thiện năng lực bản thân, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc khi được sự giám sát từ người khác.
 
    Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; có chính sách truyền thông đúng đắn, hiệu quả về công khai, minh bạch và tác dụng đối với công tác PCTN.
Hoàng Quốc Tráng
(Thanh tra Bộ Nội vụ)
;
.