Thứ Bẩy, 23/11/2024, 21:11 [GMT + 7]
.
.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài

Thứ Hai, 03/06/2013, 09:57 [GMT+7]

Khoa học điều tra tội phạm định nghĩa phương thức thực hiện tội phạm là sự tổng hợp các cách thức, thủ đoạn hoạt động của người phạm tội trong chuẩn bị, thực hiện và che dấu hành vi phạm tội.

Phương thức thực hiện tội phạm chỉ ra sự tổng hợp trong cách thức tiến hành tội phạm. Sự tổng hợp này bao gồm cả con người, mục đích, tập hợp hành vi của đối tượng. Thủ đoạn thực hiện tội phạm là tập hợp các biểu hiện cụ thể của phương thức thực hiện tội phạm.

Hàng chục vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài xảy ra ở Việt Nam những năm qua đã được các cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Nghiên cứu các vụ án này nổi lên một số phương thức, thủ đoạn phạm tội phổ biến sau:

(1) Đối tượng người nước ngoài đưa tiền hối lộ cho quan chức phía Việt Nam để trúng thầu dự án, có được các điều khoản có lợi trong quá trình thực hiện dự án và thanh toán hợp đồng.

Đưa tiền hối lộ cho quan chức phía Việt Nam của đối tượng người nước ngoài để có những điều khoản có lợi trong quá trình thực hiện dự án và thanh toán hợp đồng là hành vi phổ biến của tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài xảy ra trong thời gian qua.

Có thể thông qua trung gian giới thiệu, đối tượng người nước ngoài trực tiếp gặp gỡ, thoả thuận về việc đưa và nhận hối lộ. Trong trường hợp này, thường phía nước ngoài xuất hiện ít nhất từ hai người trở lên; ngược lại, đối tượng nhận hối lộ thường khôn ngoan lựa chọn địa điểm nhận tiền được cho là an toàn, hạn chế hoặc không cho người thứ ba xuất hiện hoặc biết việc đưa và nhận hối lộ. Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Thoả thuận đưa hối lộ cho hợp đồng tư vấn thiết kế; quá trình thực hiện Dự án, Công ty PCI của Nhật Bản đã trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế và được chỉ định gói thầu tư vấn giám sát.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ

Khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA cho dự án này, các quan chức PCI quyết định phải đưa hối lộ cho các “sếp” phụ trách để nhận được các gói thầu tư vấn dự án. Từ đó, PCI có thể rút tiền từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC - là cơ quan đại diện chính phủ Nhật Bản cho vay), làm vốn thực hiện gói thầu, cũng là nguồn thanh toán tiêu cực phí trên. Theo đó, ban lãnh đạo PCI tìm cách tiếp cận ông Huỳnh Ngọc Sỹ (Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh, là người có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến dự án). Cơ quan điều tra cũng xác định, trong thời gian ở Việt Nam, các quan chức PCI đều trú tại khách sạn Norfolk (thành phố Hồ Chí Minh) và quen biết với ông Nguyễn Thanh Hoàng (Tổng giám đốc công ty Norfolk), bạn đánh golf với ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Trong một lần gặp nhau tại nhà hàng của khách sạn, phía PCI đặt vấn đề “lo lót” cho ông Sỹ để được trúng thầu tư vấn thiết kế. Do có mặt ông Hoàng nên ông Sỹ đã làm ngơ. Tuy nhiên, ngay sau khi các quan chức PCI rời nhà hàng, ông Sỹ đã điện thoại nhận lời và yêu cầu: “Không được nói việc này với bất cứ ai. Chúng ta sẽ gặp nhau tại nơi khác”. Sau khi trúng thầu tư vấn thiết kế với giá trị hợp đồng là 9 triệu USD, theo tính toán của PCI, Công ty này sẽ phải đưa tiền hối lộ cho ông Sỹ là 900.000 USD. Từ “phi vụ” này, PCI tiếp tục nhờ ông Sỹ chỉ định thực hiện gói thầu tư vấn giám sát mà không phải qua đấu thầu (theo phê duyệt dự án của Chính phủ, gói thầu này phải tổ chức đấu thầu quốc tế). Theo tính toán của PCI, giá trị hợp đồng này khoảng 15,5 triệu USD và họ phải “chung” cho ông Sỹ 1,7 triệu USD.

Sau nhiều lần nhận “lót tay”, tháng 4-2003, ông Sỹ gọi điện cho PCI yêu cầu đưa tiếp 262.000 USD của hai lần “làm ăn” trên. Lúc này, do quỹ của Văn phòng PCI tại thành phố Hồ Chí Minh không đủ nên PCI Nhật Bản phải chuyển tiền sang Việt Nam để “chung chi” cho ông Sỹ. Một tháng sau, các quan chức PCI phải gom góp nhiều nguồn mới đủ số tiền trên và giao cho ông Sỹ ngay phòng làm việc của ông này tại Ban quản lý dự án. Về lần giao tiền này, cơ quan điều tra xác định, ngày 28-05-2003, đích thân ông Sakano Tsuneo (Trưởng Văn phòng đại diện PCI tại Việt Nam) và ông Takasu Kunio (thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc Điều hành PCI) vừa từ Nhật Bản bay qua đã mang túi xách đựng 262.000 USD đến Ban quản lý dự án. Trên đường đi, ông Sakano đã gọi điện thông báo với Sỹ là đang cùng một người bạn đến. Đến phòng ông Sỹ, ông Sakano gõ cửa và được ông Sỹ cho vào phòng để “nói chuyện”. Còn ông Takasu Kunio phải đứng ở ngoài vì ông Sỹ cho là “người lạ mặt”. Thấy vậy, vị trưởng Văn phòng đại diện PCI phải giải thích ông Takasu là bạn và là người trực tiếp “chung” tiền thì ông Sỹ mới cho vào. Cũng theo cơ quan điều tra, với hàng loạt hành vi phạm pháp trên, ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã cố tình làm không đúng với nhiệm vụ được giao, làm theo yêu cầu có lợi cho PCI Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).

Theo tài liệu điều tra cho thấy, trong quá trình đấu và trúng thầu, chỉ định thầu và thực hiện Dự án, các nhân viên của Công ty PCI đã thoả thuận và bảy lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Qua những diễn biến của vụ án cho thấy mục đích của việc đưa tiền hối lộ là cụ thể, rõ ràng. Phía Công ty PCI được Sỹ tạo điều kiện thuận lợi trong đấu thầu; ký các phụ lục hợp đồng có lợi cho PCI; thuận lợi trong thanh toán tiền hợp đồng. Kết quả cuối cùng là các mục đích của mỗi lần đưa hối lộ, phía PCI đều đạt được.

(2) Thông đồng với đối tác nước ngoài nâng khống giá trị gói thầu trong thực hiện hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Thủ đoạn này thường diễn ra trong các hợp đồng thương mại mua tài sản của đối tác nước ngoài. Việc thực hiện ý đồ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước hình thành ngay từ khi bắt đầu đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế, diễn biến trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và kết thúc khi đối tượng chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước thông qua hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài. Hành vi tham nhũng trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và vụ án Đặng Nam Trung và đồng bọn tham ô tài sản là những ví dụ điển hình. Về hành vi tham nhũng trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, các đối tượng chính của vụ án này là Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh), Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long (Công ty Cửu Long). Trong vụ án này, các đối tượng đã thông đồng, câu kết với nhau nâng khống lên khoảng 30% giá trị thiết bị máy móc. Tổng số tiền mà các công ty Hàn Quốc được Công ty Cửu Long thanh toán là 13.730.710 USD, trong khi đó, kết quả điều tra cho thấy Công ty Cửu Long có tổng giá trị thanh toán cho các đối tác theo các hợp đồng mua bán hai nhà máy nhiệt điện cũ là 14.796.613 USD. Số tiền chênh lệch các đối tượng trong vụ án đã chiếm hưởng là 1.065.903 USD.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (phải), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh Vinashin
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (phải), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh Vinashin

(3) Câu kết, thông thầu, tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài trúng thầu dự án để đổi lại các giá trị vật chất khác (như vay vốn, hưởng hoa hồng), gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Các đối tượng câu kết với phía nước ngoài để tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài trúng thầu dự án tại Việt Nam, thường là với giá bỏ thầu cao hơn dự toán của chủ đầu tư. Thậm chí, để thoả mãn điều kiện nhà thầu nước ngoài đưa ra, các đối tượng trong nước sẵn sàng cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, như ký hợp đồng với nhà thầu trước khi dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nghiệm thu công trình không đạt chỉ tiêu kỹ thuật theo thiết kế. Đổi lại, các đối tượng trong nước được phía nước ngoài cho hưởng chênh lệch, hoa hồng bất hợp pháp, tạo điều kiện cho vay vốn. Hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, Quảng Ninh của Tập đoàn Vinashin là một điển hình.

Tháng 11 năm 2001, Tập đoàn Vinashin có quyết định chuẩn bị đầu tư và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân, trong đó có Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel. Dự án này được Tập đoàn Vinashin giao cho Trung tâm tư vấn công nghệ - dịch vụ tài chính (VIBC) lập báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt gần 507 tỷ đồng, với thông số kỹ thuật của máy móc là mới, tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, từ trước khi lập, phê duyệt Dự án, Phạm Thanh Bình (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin) đã ký hợp đồng với nhà thầu Jacobsen của Na Uy, thống nhất giao cho Jacobsen làm tổng thầu thực hiện thiết kế, thi công, tháo dỡ dây chuyền, máy móc, thiết bị của nhà máy điện tại Trung Quốc về lắp đặt cho nhà máy điện Cái Lân. Đổi lại sau khi Phạm Thanh Bình ký hợp đồng này, phía Jacobsen phải thu xếp cho Tập đoàn Vinashin vay tiền nước ngoài. Khi tổ chức đấu thầu, Jacobsen có giá bỏ thầu là 40 triệu USD (khoảng 608 tỷ đồng), vượt tổng mức đầu tư của dự án là 101 tỷ đồng nên đã không trúng thầu.

Trên thực tế, vì đã có thoả thuận ngầm với nhau từ trước nên dưới sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình, đại diện Tập đoàn Vinashin đã thương thảo lại nhiều lần với nhà thầu Jacobsen giảm giá xuống còn 36 triệu USD, đồng thời phía chủ đầu tư Dự án cũng viết lại báo cáo nghiên cứu khả thi, giữ nguyên thiết kế kỹ thuật, chỉ tăng tổng mức đầu tư lên 592,977 tỷ đồng để Dự án vẫn nằm trong nhóm B (thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Thanh Bình) và phù hợp với giá dự thầu chào lại của Jacobsen. Sau khi trúng thầu và ký hợp đồng chính thức với Tập đoàn Vinashin, Jacobsen thực hiện tháo dỡ máy móc của nhà máy đã lắp đặt ở Trung Quốc về lắp đặt cho nhà máy điện Cái Lân. Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho thấy đây là dây chuyền máy móc đã qua sử dụng, khi chạy thử không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế và cam kết của nhà thầu. Điểm đáng lưu ý ở đây thể hiện rõ hành vi câu kết, thông đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư là khi chưa lắp đặt hoàn chỉnh nhà máy, chưa chạy thử tải, Phạm Thanh Bình đã ký chứng nhận chạy thử thành công, chứng nhận bàn giao công trình với nhà thầu để thanh toán 10% cuối cùng của giá trị hợp đồng. Kết quả là khi nhà máy đi vào hoạt động chỉ trong 03 năm (2007 đến 2009) đã thua lỗ gần 60 tỷ đồng, đến nay đã ngừng hoạt động hoàn toàn.

Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin
Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin

(4) Làm giả hợp đồng để tham ô, rút ruột tiền dự án nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Thủ đoạn này thường diễn ra trong các dự án có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), có nhà thầu nước ngoài trực tiếp tham gia thi công các công trình. Quá trình thực hiện dự án các đối tượng đã câu kết, thông đồng với nhau để làm các hợp đồng giả nhằm rút tiền của nhà nước chia nhau. Một số hành vi loại này xảy ra tại Ban Quản lý các dự án 18 (PMU18), Bộ Giao thông Vận tải là các ví dụ điển hình. Theo điều khoản hợp đồng mục SS.04 phần tiêu chuẩn kỹ thuật đặc biệt của Hợp đồng kinh tế số 18CC-18-4 ngày 31-03-2000 giữa nhà thầu liên danh Công ty SAM WHAN (Hàn Quốc và Tổng Công ty xây dựng bạch Đằng (gói thầu 2) với PMU18, phía nhà thầu phải cung cấp nhà ở cho Tư vấn giám sát để Tư vấn thực hiện nhiệm vụ thi công gói thầu 2 (đoạn Bắc Ninh - Chí Linh). Lê Thị Thanh Hoà được PMU18 điều động đến công tác tại Văn phòng tư vấn dự án quốc lộ 18. Biết được điều khoản của Hợp đồng về việc Ban Điều hành gói thầu 2 phải thuê nhà ở cho kỹ sư Tư vấn nước ngoài để giám sát việc thi công công trình, bà Hoà đã ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Thanh Hải thuê ngôi nhà ở số 11-IF1 phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội với giá là 14.000 USD cho 14 tháng. Sau khi ký hợp đồng thuê nhà, bà Hoà đã lập các giấy đề nghị thanh toán theo hợp đồng (kèm theo giấy uỷ quyền của bà Hải uỷ quyền cho bà Hoà nhận tiền thuê nhà) để nhận tiền trực tiếp từ Ban Điều hành gói thầu 2 số tiền là 196 triệu đồng. Số tiền này bà Hoà đưa cho bà hải 20 triệu đồng với lý do "tiền bù thêm vào số tiền sửa chữa, mau sắm nhưng không thực hiện hợp đồng". Số tiền 176 triệu bà Hoà chiếm đoạt.

Hoặc Trần Văn Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty vật tư nông nghiệp đã thông đồng với Công ty Nam Cường ký khống 11 hợp đồng nhập phân bón để tham ô 6 tỉ đồng (thực chất phân bón do chính Tổng Công ty vật tư nông nghiệp nhập về từ Trung Quốc).

Bị cáo Trần Văn Khánh (trái) tại Tòa
Bị cáo Trần Văn Khánh (trái) tại Tòa

(5) Móc ngoặc với nhà thầu nước ngoài lập chứng từ khống chiến đoạt tài sản Nhà nước.

Đây là thủ đoạn phổ biến của các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.  Các đối tượng móc ngoặc với nhà thầu, lập chứng từ khống (như chi lương nhân viên, phí quản lý) để rút tiền từ dự án của Nhà nước. Hành vi tham ô tài sản trong Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) do Ban Quản lý các dự án 18, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.

Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy có các nhà thầu xây dựng gồm: Liên danh nhà thầu Shimizu - Sumitomo Mistui (Nhật Bản) thi công gói thầu BC2 (gói thầu xây dựng cầu chính); Tổng Công ty xây dựng các công trình giao thông 1 (CIENCO1) thi công gói thầu BC1; Tổng Công ty xây dựng các công trình giao thông 5 (CIENCO5) thi công gói thầu BC3. Quá trình thực hiện Dự án, Bùi Tiến Dũng (Tổng Giám đốc PMU18), Phạm Tiến Dũng và một cán bộ PMU18 phụ trách triển khai Dự án đã móc ngoặc với các giám đốc điều hành của các nhà thầu lập chứng từ khống hàng chục tỷ đồng trong việc ký kết các hợp đồng xây dựng và trả lương nhân viên của chủ đầu tư để chiếm đoạt số tiền rất lớn của Dự án. Thủ đoạn phạm tội thường là lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, Phạm Tiến Dũng đã báo cáo Bùi Tiến Dũng để móc ngoặc với Giám đốc điều hành các gói thầu lập danh sách các nhân viên phục vụ tư vấn khống gửi các nhà thầu trả lương hàng tháng để rút tiền chia nhau chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã làm rõ số tiền các đối tượng tham ô chiếm đoạt là 3,189 tỷ đồng (Báo cáo số 151/C14(P9) ngày 14/4/2008 của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an).

Bị cáo Bùi Tiến Dũng
Bị cáo Bùi Tiến Dũng

(6) Lợi dụng hoạt động nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, thông đồng với đối tác nước ngoài chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Đây là thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của loại tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài rất mới ở Việt Nam. Hiện nay có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoạt động ở Việt Nam, có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế của Việt Nam. Từ đó, một số đối tượng nảy sinh hành vi lợi dụng hoạt động nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, thông đồng với đối tác nước ngoài chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng và Ngân hàng ABN - AMRO Hà Nội là một ví dụ.

(Trích “Phòng, chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế”, Nxb Chính trị Quốc gia, tác giả: Nguyễn Xuân Trường)

;
.