Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:57 [GMT + 7]
.
.

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng tại Hồng Kông (Trung Quốc)

Thứ Năm, 07/06/2012, 10:24 [GMT+7]

1. Tham nhũng tràn lan

Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, vấn nạn tham nhũng đã trở nên rất phổ biến và tràn lan tại Hồng Kông ở cả khu vực tư nhân và dịch vụ công. Thậm chí, người dân đã coi tham nhũng là một phần trong cuộc sống. Tình trạng tham nhũng tại các cơ quan thực thi pháp luật và khu vực dịch vụ công diễn ra công khai như trong lực lượng cảnh sát, tham nhũng được xem là một lĩnh vực kinh doanh được vận hành bởi các thế lực có tổ chức nhằm thu lượm những đồng tiền bất chính thông qua việc che đậy những hoạt động bất hợp pháp. Cụ thể, để có được hộ chiếu hay visa, người ta chỉ cần đưa một khoản hối lộ cho quan chức phụ trách nhập cư. Việc lắp đặt đường dây điện thoại cũng có thể được đẩy nhanh hơn nếu đưa hối lộ cho nhân viên công ty viễn thông của nhà nước. Tình trạng đưa tiền hoa hồng bất hợp pháp trong các thương vụ kinh doanh cũng diễn ra phổ biến. Trong bối cảnh đó, chính quyền hầu như chưa đưa ra được biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, thời cơ thay đổi tình hình đã đến vào những năm 70 khi Hồng Kông trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế và tăng dân số cao. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng đó, Hồng Kông phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và tham nhũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân đã không thể kiên nhẫn chịu đựng. Sự việc trốn chạy ra nước ngoài của một quan chức cảnh sát cấp cao bị truy tố về tội tham nhũng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân và một cuộc điều tra toàn diện đã được triển khai sau đó. Một trong những đề xuất chính đối với cuộc điều tra này là phải thành lập một cơ quan độc lập, có quyền lực và chuyên biệt để đối phó với nạn tham nhũng và người đứng đầu cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm trước Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông về tình trạng tham nhũng. Năm 1974, Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng tại Hồng Kông được thành lập.

Chương trình tuyên truyền “Không bán phiếu” do ICAC

thực hiện nhằm kêu gọi một cuộc bầu cử trong sạch

2. Cuộc tấn công 3 gọng kìm

Khi lên kế hoạch thành lập ICAC, Chính quyền Hồng Kông đã nhận ra rằng Ủy ban sẽ không thể chiến thắng cuộc chiến này nếu chỉ tập trung vào việc bắt giam những quan chức tham nhũng. Quan trọng hơn, Chính quyền cần cải thiện bộ máy quan liêu và tạo ra sự thay đổi trong thái độ của người dân đối với tham nhũng. Chính vì vậy, ICAC đã quyết định tập trung vào 3 yếu tố trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng là điều tra, phòng ngừa và giáo dục.

Theo đó, ICAC được tổ chức thành 3 phòng:

- Phòng Hoạt động (Operations Department) có trách nhiệm tiếp nhận các báo cáo và tố cáo về tham nhũng. Chức năng điều tra và thực thi này chính là hoạt động dễ nhận thấy nhất của Ủy ban, thu hút sự chú ý của công chúng và các cơ quan truyền thông trong các vụ việc lớn. Các vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua các lá đơn tố cáo nhận từ các nguồn như đường dây nóng hoạt động 24h.

- Phòng Quan hệ với Cộng đồng (Community Relation Department) có trách nhiệm giáo dục, công bố thông tin và mang vai trò dẫn dắt về tinh thần của Ủy ban. Vai trò của Phòng này là huy động sự ủng hộ của người dân với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng.

- Phòng Ngăn ngừa tham nhũng (Corruption Prevention Department) chức năng ngăn ngừa tham nhũng trong các tổ chức thông qua việc thanh tra hoạt động và hệ thống nội bộ, qua đó đề xuất các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Mục tiêu này đã được triển rất thành công trong các tổ chức công thông qua việc thiết lập các hệ thống minh bạch và hiệu quả, từ đó đưa ra một bằng chứng cụ thể về quy tắc phòng hơn chống.

3. Các yếu tố tạo nên thành công

Một cơ quan, dù cơ cấu tổ chức và thiết bị có tốt đi thế nào thì cũng không thể một mình phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh một cơ quan chuyên biệt và độc lập như ICAC, có một vài yếu tố rất quan trọng giúp cho cuộc chiến phòng, chống tham nhũng tại Hồng Kông thành công:

Sự quyết tâm của Chính quyền

Sự quyết tâm và ủng hộ của chính quyền chính là yếu tố đầu tiên và tiên quyết đem lại sự thành công trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Những người đứng đầu chính quyền Hồng Kông tin chắc rằng phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng với sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của vùng lãnh thổ này. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông luôn nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của chính quyền trong phòng, chống tham nhũng. Cam kết này được cụ thể hóa bằng sự hỗ trợ đủ về nguồn lực và tài chính. Với đội ngũ nhân viên hơn 1.300 người và nguồn ngân sách hàng năm 90 triệu USD đã bảo đảm rằng ICAC là cơ quan độc lập và hiệu quả với sự linh hoạt cao trong hoạt động của mình.

Hệ thống pháp lý đủ mạnh

Tham nhũng là một trong những loại hình tội phạm khó phát hiện nhất. Yếu tố quan trọng thứ hai giúp cuộc chiến phòng, chống tham nhũng chính là sức mạnh thực thi pháp luật. Chính hệ thống pháp lý hoàn thiện đã giúp cho ICAC dễ dàng thực hiện công việc của mình. Ví dụ, các nhà điều tra của ICAC được quyền kiểm tra tài khoản ngân hàng và các tài liệu kinh doanh mật. Trong một vài trường hợp, các đối tượng khả nghi còn được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về tài sản, thu nhập và chi tiêu. Cán bộ của ICAC được trao quyền tương tự như một cảnh sát đặc biệt trong việc bắt giữ người tình nghi tham nhũng mà không cần lệnh bắt và giam giữ tối đa 48 giờ để thẩm vấn và có quyền cho tại ngoại với người bị bắt giữ. Luật Chống tham nhũng cũng trao quyền cho các nhà điều tra của ICAC khám xét người tình nghi và nơi ở, làm việc của họ cũng như thu giữ các giấy tờ tùy thân hoặc ngăn chặn người tình nghi tẩu tán tài sản .

Luật pháp Hồng Kông cũng cho phép ICAC một số quyền nhất định trong việc giáo dục người dân, kiểm tra những quy trình, thủ tục trong các lĩnh vực công và đưa ra tư vấn thay đổi để ngăn ngừa tham nhũng.

Sự ủng hộ của người dân

Sự ủng hộ của người dân là yếu tố thứ ba đem lại sự thành công. Để nâng cao và duy trì ý thức của người dân về phòng, chống tham nhũng đòi hỏi một chương trình dài hạn và đầy đủ để thúc đẩy và gia tăng sự ủng hộ của người dân. Bên cạnh các chương trình có quy mô lớn trên các phương tiện tiện thông tin đại chúng, ICAC còn xây dựng các chương trình nhằm vào đối tượng cụ thể trong cộng đồng, ví dụ thanh niên, doanh nhân cũng như các nhân viên nghề nghiệp và kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những hoạt động này giải thích rõ các quy định và luật pháp về phòng, chống đưa hối lộ, giáo dục học sinh, sinh viên tại trường học và khuyến khích các tổ chức kinh doanh xây dựng các chuẩn mực đạo đức của doanh nghiệp và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Những hoạt động này được triển khai thông qua hoạt động của 8 Văn phòng khu vực của ICAC.

Hệ thống giám sát và kiểm tra chặt chẽ

Yếu tố thứ tư là sự giám sát và kiểm tra nhằm đảm bảo rằng cơ quan phòng, chống tham nhũng này hoạt động hiệu quả và tin cậy. Hoạt động của ICAC được giám sát và kiểm tra bởi một hệ thống hiệu quả. Ví dụ, mặc dù được ban quyền điều tra, nhưng ICAC không có quyền khởi tố như các cơ quan công tố. ICAC cũng sẽ bị 06 nhà lập pháp giám sát và chất vấn về các hoạt động tài chính của mình, họ cũng có quyền rà soát và sửa đổi các quyền của ICAC khi cần thiết.

Bên cạnh đó, hoạt động của ICAC còn bị giám sát bởi bốn ủy ban cố vấn bao gồm các thành viên từ tất cả các ngành trong xã hội. Một ủy ban cấp cao sẽ đánh giá chính sách tổng thể của ICAC trong khi 3 ủy ban còn lại sẽ phụ trách giám sát từng phòng ban tại ICAC. Các ủy ban này sẽ họp thường xuyên và giám sát chặt chẽ công việc của ICAC.

Hợp tác quốc tế

Cuối cùng như không kém phần quan trọng là sự hợp tác từ các cơ quan phòng, chống tham nhũng các quốc gia. Yếu tố này là nhân tố quan trọng đóng góp vào bất kỳ thành công nào trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Do những kẻ tham nhũng thường nhanh chóng khai thác những kẽ hở của luật pháp ở các quốc gia, ICAC nhận thấy rằng việc xây dựng một kênh liên lạc hiệu quả và thường xuyên giữa các quốc gia là hết sức quan trọng nhằm trao đổi đa phương những hỗ trợ về pháp lý và trong quá trình điều tra.

Thu Huyền

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.