“Xây” và “chống” trong tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiệm vụ phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng nêu trên, nhất thiết phải triển khai đồng bộ trên cả hai mặt "xây" và "chống".
1. Về "xây", Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động quần chúng nhân dân tiết kiệm chống lãng phí, yêu cầu mọi cán bộ nhà nước phải rèn luyện tư tưởng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư.
Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ đã viết tác phẩm "Đời sống mới". Theo quan điểm của Người, xây dựng đời sống mới có vai trò rất quan trọng với chính quyền Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ, với cuộc kháng chiến, kiến quốc đang rất cam go. Xây dựng đời sống mới để xoá đi những tàn dư lạc hậu của phong kiến, đế quốc để lại, muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"; đồng thời, từng bước giáo dục nhân dân thấy được sự tốt đẹp của chế độ mới và trách nhiệm từng người với Tổ quốc. Người viết: "Những người ở trong các công sở từ làng (xã) cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu" (HCM toàn tập, Nxb CTQG, T.5, tr.105).
Bên cạnh đó Người còn chỉ ra rằng: "Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị" (Sđd, T.6, tr.490). Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, tham ô, lãng phí, không thể nẩy nở được (Sđd, T.6, tr.515).
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì giáo dục là chính, trừng phạt là phụ, nghĩa là, ai kiểm thảo đúng những người khác sẽ được khen thưởng; ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (trừ những tội lỗi đặc biệt nặng); ai có lỗi mà không thật thà tự nói ra sẽ bị kỷ luật; ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình sẽ bị kỷ luật (Sđd, T.6, tr.493).
Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng (Sđd, T.6, tr.493-494).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng, có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác nên biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục lại đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất cám dỗ mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng (Sđd, T.6, tr.494).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phát động các cuộc vận động có tính chất chống tham ô thông qua triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quyết định của Chính phủ, của Quốc hội như phát động phong trào "ba xây, ba chống"... Trong các cuộc hội nghị, các cuộc gặp mặt cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, Người luôn luôn nói đến đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu mệnh lệnh, kéo bè, kéo cánh.
Người cho rằng, nguyên nhân chính của căn bệnh tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, Người nhắc nhở mọi người cần hết sức đề phòng căn bệnh chủ nghĩa cá nhân phát triển ngay trong chính bản thân mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phát động tư tưởng quần chúng, khiến cho quần chúng nhận thức được tác hại của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, để từ đó có thái độ khinh ghét tệ tham ô, lãng phí và tự giác tham gia vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng trước pháp luật và công chúng.
2. Bên cạnh "xây", Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết "chống" tham ô, lãng phí, quan liêu. Người nói: "Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch được. Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lấn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết thì kiên quyết làm” (Sđd, T.7, tr.59-60).
Ngay sau khi giành được chính quyền hơn 80 ngày, ngày 23/11/1945 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt, sắc lệnh này quy định Ban thanh tra đặc biệt có quyền "đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử. Tịch biên hoặc niêm phong tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt".
Đến ngày 18/01/1949, sắc lệnh số: 138/SL về tổ chức thanh tra Chính phủ đã quy định thêm chức năng "thanh tra cả ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết".
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xử lý các hành vi tham ô, kiên quyết trừng trị bọn tham ô cho dù những kẻ đó ở vị trí nào trong xã hội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu đã tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa. Qua sự việc này, thái độ kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham ô của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả cao trong việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, để đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải kết hợp giữa "xây" và "chống". Có thể ví "xây" và "chống" như hai bánh xe vững chắc. "Chống" triệt để bảo đảm cho công việc "xây" thành công. "Xây" phát triển mạnh mẽ thì đối tượng "chống" sẽ được xóa bỏ tận gốc.
Để kết hợp "xây" và "chống", cần nhất phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong, huy động được sự tham gia của nhân dân. Nhân dân và báo chí rất quan trọng. Báo chí phải nêu những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng; làm cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác. Và những ai, những cơ quan nào được nhân dân và báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân trên báo chí. Các ban Thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Làm nghiêm chỉnh, kịp thời trong công tác xét các vụ khiếu nại, tố giác.
Đảng phải làm thường xuyên nhiệm vụ phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải công khai, dân chủ, minh bạch. Trong kiểm thảo thực hiện nguyên tắc: Cán bộ, đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ, mạnh dạn, thật thà tự kiểm thảo. Nắm vững trọng điểm, làm từng bước, từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. Nhận thức đúng vai trò của chi bộ - một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.
3. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp tục chú trọng tới "xây" và "chống" trong đấu tranh PCTN.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Các nghị quyết Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI và một số Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kết luận... của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các khóa VI, VII, VIII, IX, X đều đề cập đến vấn đề này.
Tư tưởng kết hợp giữa "xây" và "chống" trong công tác phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu thể hiện rất rõ trong 5 quan điểm được xác định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa X, Đảng ta đã phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nhiều phong trào khác, nhằm "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội".
Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị, khóa XI, ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là một trong những giải pháp nhằm "đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng" (Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XI (ngày 14/5/2011).
Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, thực hiện tốt cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu, đòi hỏi "xây" và "chống" trong công tác PCTN, lãng phí, quan liêu không chỉ dừng lại ở khâu triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, mà từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải thật sự thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa