Phòng, chống tham nhũng - nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI)
THỰC TRẠNG
Vì là một tệ nạn tồn tại trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong cán bộ đảng viên và trong cả một số cán bộ cao cấp, nên việc tiến công không có trận tuyến, khó bố trí lực lượng. Bọn tham nhũng như một thế lực vô hình chui lủi khắp nơi, chúng cấu kết với nhau, không dễ công phá.
Nạn tham nhũng biểu hiện như thế nào? Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cách thức bòn rút, đục khoét tài sản công của bọn tham nhũng đa dạng, tinh vi.
Tham nhũng về kinh tế dẫn đến tha hóa về lối sống, tha hóa về lối sống kích thích mạnh mẽ tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo tha hóa, xuống cấp về đạo đức, có kẻ thậm chí biển thủ công quỹ để bao nhân tình, ăn chơi trác táng, đánh bạc, hút xách... làm tổn hại thanh danh của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Thực tế chứng tỏ, bọn tham nhũng về kinh tế thường là những phần tử thoái hóa về chính trị. Đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Vì chúng muốn giành, nắm giữ quyền lực nhằm bảo vệ và chiếm đoạt nhiều hơn tài sản công. Vấn đề càng trầm trọng và nguy hiểm hơn khi các phần tử tham nhũng cấu kết với các phần tử xã hội đen và bọn buôn lậu.
Bọn tham nhũng lợi dụng chức, quyền biến quan hệ công tác thành quan hệ hàng hóa để trao đổi, hai bên cùng có lợi. Hiện tượng dùng người theo cánh hẩu, kết bè kết cánh không ít. Bố trí cán bộ không căn cứ vào tiêu chuẩn, không đủ tiêu chuẩn là một hiện tượng tham nhũng chính trị có ảnh hưởng xấu và vô cùng nguy hiểm.
Suy ngẫm đến âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, chúng ta càng thấy rõ nguy cơ nghiêm trọng của nạn tham nhũng về kinh tế, sự thoái hóa biến chất về chính trị của các phần tử tham nhũng.
Căn nguyên ở đâu?
Có thể từ các góc độ sau để xem xét nguồn gốc tham nhũng ở nước ta hiện nay:
1.Nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế
Bất cứ thành phần kinh tế nào cũng đều coi việc bảo đảm lợi ích cho mình là mục đích tự thân. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, nhiều cơ chế cùng tồn tại và cùng cạnh tranh lợi ích với nhau, là miếng đất màu mỡ cho các phần tử tham nhũng trao đổi quyền và tiền. Tham nhũng thường xảy ra ở các ngành, đơn vị kinh tế, trực tiếp nắm tiền hoặc có quyền quản lý, phân phối vật tư và các hạng mục công trình kinh tế. Nơi nào còn cơ chế “xin - cho” nơi đó nạn tham nhũng xuất hiện.
Mặt khác, cơ chế điều tiết vĩ mô chưa hoàn chỉnh đã tạo điều kiện cho tham nhũng nảy nở. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nước ta đòi hỏi sự quản lý của Nhà nước phải chuyển đổi chức năng, từ can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa sang điều tiết vĩ mô bằng các đòn bẩy kinh tế. Sự chuyển đổi này cho đến nay còn chậm chạp, nhiều trường hợp
vẫn áp dụng biện pháp hành chính để can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Bản thân cơ chế quản lý kinh tế không trực tiếp dẫn đến tham nhũng, chỉ có cơ chế quản lý không hoàn thiện mới tạo điều kiện và cơ hội cho tham nhũng xuất hiện. Do đó, chỉ có không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thì
mới từng bước khắc phục nạn tham nhũng.
2.Hệ thống chính trị chậm đổi mới, cải cách hành chính chưa đến nơi đến chốn là nguyên nhân quan trọng đẻ ra tham nhũng
Trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, ta thực hiện phương châm cởi trói cơ chế, trao nhiều quyền cho các ngành, các cấp và các địa phương. Đó là một chủ trương đúng mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý. Nhưng đồng thời cũng đẻ ra nhiều
sơ hở: phân tán quyền quyết định, chủ thể quyết định tăng lên, xuất hiện tình trạng vượt quyền. Quyền lực tương đối tập trung nhưng thiếu giám sát, chế độ quản lý từ trên xuống dưới bị giảm sút, giám sát từ dưới lên khó phát huy tác dụng, giám sát cùng cấp không chân thực, khiến cho nạn trao đổi quyền và tiền có điều kiện lây lan và phát triển.
3.Pháp chế chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ là một trong những căn nguyên chính đẻ ra nạn tham nhũng
Pháp chế không hoàn thiện, hiện tượng không tuân theo pháp luật hoặc thi hành pháp luật không nghiêm, hành vi phi pháp không bị truy cứu vẫn đang còn tồn tại. Về phương diện chấp pháp, ta thường nói “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, nhưng khi áp dụng thì lại phân biệt đối xử, nhẹ trên, nặng dưới khiến cho kẻ vi phạm kỷ cương, phép nước không sợ hãi, có cơ
tồn tại.
GIẢI PHÁP
1.Nâng cao nhận thức
Tham nhũng là một hiện tượng lịch sử. Do đó chỉ có thể ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế, làm giảm thiểu sự lây lan và tác hại của nó, không thể xóa bỏ hoàn toàn, tiêu diệt tận gốc ngay trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Không nên nôn nóng, ảo tưởng muốn diệt hết nạn tham nhũng trong một thời gian ngắn, thậm chí ngay trong cả thời kỳ CNH, HĐH. Nhận thức rõ điều đó cho phép Đảng ta, với tầm nhìn biện chứng, bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng một cách có phương pháp, có trí tuệ.
Hiện nay, cuộc đấu tranh đạt được bước tiến đáng kể, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kết quả này cần được khẳng định một cách đầy đủ: Chúng ta không vì sự lây lan của nạn tham nhũng mà phủ nhận cục diện tốt đẹp và đầy triển vọng của đất nước ta hiện nay, không thấy được những nỗ lực và thành tích trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng của Đảng ta. Không nên có cách nhìn cực đoan đối với vấn đề quan trọng này.
Mặt khác, cần thấy rằng bọn tham nhũng đang trà trộn, chui lủi trong hàng ngũ Đảng ta là thiểu số, cơ thể của Đảng ta vẫn khỏe mạnh, đại đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng vẫn trung thành và kiên quyết chống tham nhũng. Chúng ta không phủ nhận sự thật là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một cán bộ cao cấp đang bị tha hóa nghiêm trọng. Nhưng nếu cho rằng tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên ta đã bị tha hóa, biến chất, thì đó lại là sai lầm chủ quan, duy ý chí.
2.Xác định đúng phương hướng tiến công
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ trực tiếp thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phương hướng của cuộc đấu tranh ấy như Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng ta đã chỉ rõ là: “Phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy định về quản lý kinh tế – tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ; về thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân, thông qua các đại diện trực tiếp và gián tiếp đối với đảng viên, công chức, cơ quan, đơn vị. Bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công và doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức.
Khẩn trương và nghiêm chỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bổ sung, hoàn thiện Luật Khiếu nại và tố cáo.
Xử lý kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mấy đoàn kết nội bộ. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”( Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.128-129).
3.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải xây dựng những quy định có tính chất pháp luật điều chỉnh các hành vi của cán bộ, công chức. Cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh những pháp quy đã được đưa ra cho cán bộ, đảng viên thực hiện, như “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, “Quy định về những điều đảng viên không được làm”, “Quy định về báo cáo thu nhập cá nhân”, v.v... là những quy định có tác dụng giám sát, giúp cán bộ lãnh đạo thực hiện đúng quyền lực của mình. Đồng thời, cũng cần đưa ra những quy định mới nhằm tăng cường khả năng giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên, như “Quy định về việc đăng ký quà tặng giao dịch trong nước của cán bộ các cơ quan đảng và nhà nước”, “Quy định báo cáo những công việc cá nhân quan trọng của cán bộ lãnh đạo”, “Quy định về chế độ báo cáo trước đại hội công nhân, viên chức về tình hình sử dụng kinh phí, đặc biệt là chi tiêu phí quản lý và chi tiêu tiếp khách”, “Quy định về việc thưởng phạt công chức hành chính”. Các cơ quan chủ quản phụ trách việc thực hiện các chế độ và quy định pháp quy cần ra sức gánh vác trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng thi hành luật không nghiêm, vi phạm kỷ cương, phép nước không xử lý.
Tăng cường giám sát, nhất là giám sát trong Đảng. Trọng điểm giám sát trong Đảng là cơ quan và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng. Đồng thời, tăng cường giám sát hành chính, tức là giám sát tình hình tuân thủ và chấp hành pháp luật, quy định và các quyết định của chính quyền đối
với các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức nhà nước. Mặt khác, cũng phải phát huy đầy đủ tác dụng giám sát của quần chúng nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức nào liên quan đến lợi ích thiết thân của nhân dân phải thực hiện chế độ làm việc công khai, tạo thuận lợi cho quần chúng nắm tình hình và thực hiện giám sát theo khẩu hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
4.Phải triệt phá môi trường nảy sinh tham nhũng
Một là, cải cách triệt để chế độ tài chính - tiền tệ: Nghiêm cấm mọi ban, ngành, các đơn vị, tổ chức kinh tế xác lập phi pháp cơ quan tài chính thi hành các nghiệp vụ tài chính; nghiêm cấm các cơ quan tài chính lập sổ sách kế toán không nằm trong diện được pháp luật quy định vào mục đích kinh doanh; nghiêm cấm mọi đơn vị và cá nhân mở tài khoản tiền gửi của cơ quan theo danh nghĩa cá nhân.
Hai là, đổi mới cơ chế quản lý nhân viên kiểm toán. Tăng cường cơ chế ràng buộc, phòng ngừa và ngăn chặn hành vi vi phạm kỷ cương phép nước; giám sát nghiêm ngặt chất lượng làm việc của các nhân viên kiểm toán và các đơn vị kiểm toán. Đối với các nhân viên kiểm toán mà làm sổ sách giả, chứng từ giả, báo cáo số liệu giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật; đối với cán bộ lãnh đạo cơ quan kiểm toán cố ý ra chỉ thị, sai khiến, ép buộc nhân viên kiểm toán thay đổi, làm số liệu giả sẽ bị cách chức và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ba là, thiết lập và không ngừng hoàn thiện thị trường xây dựng, nhà đất và chứng khoán; kiện toàn chế độ cạnh tranh công khai, công bằng, lành mạnh; nghiêm túc quản lý, tăng cường giám sát không để cho thị trường nhà đất bị rối loạn, thị trường xây dựng và thị trường chứng khoán, tự phát.
Ngoài những công trình bí mật liên quan đến an ninh quốc gia và công trình đặc biệt khác, đều phải nghiêm túc thực hiện việc công khai mời thầu, đấu thầu và không được phép thi công các công trình mà không qua đấu thầu. Cán bộ lãnh đạo liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm trong những trường hợp vi phạm quy định. Kiên quyết điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, pháp quy như lợi dụng đấu thầu và quản lý công trình để đưa và nhận hối lộ, tham ô, giả mạo.
Bốn là, cán bộ lãnh đạo vừa phải kiềm chế bản thân, vừa phải quản lý tốt gia đình, quản lý chặt chẽ nhân viên làm việc dưới quyền. Tiến tới có quy định cán bộ lãnh đạo các cấp không được dùng bất cứ hình thức nào để tạo thuận lợi cho vợ, chồng, con cái và bạn bè thân hữu của mình được vay vốn, vật tư, nhận thầu công trình v.v… Vợ, chồng, con cái của các cán bộ lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh trở lên không được kinh doanh buôn bán hay giữ chức vụ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc quyền quản lý của cán bộ lãnh đạo đó.
5.Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng
Lịch sử đã để lại tàn dư tư tưởng, văn hóa phong kiến, nó đang tác động vào một số cán bộ, đảng viên của Đảng. Quan niệm đặc quyền, quan niệm tông phái tồn tại trước đây nay vẫn chưa bị loại bỏ và gột rửa tận gốc; quan niệm chính trị cũ kỹ, hủ bại như “học để làm quan”, “làm quan phát tài”, “bao bọc cho vợ, che chở cho con” vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong một số cán bộ, đảng viên. Lại thêm trong quá trình đổi mới, hội nhập, văn hóa phương Tây tràn vào, dung hợp, đan xen với văn hóa dân tộc, tư tưởng tư sản đồi bại cũng thừa cơ ùa vào, quan niệm “đồng tiền là vạn năng”, “chủ nghĩa đồng tiền” đang được tôn thờ và từng bước gặm nhấm, bào mòn tư tưởng của không ít cán bộ, đảng viên; luật trao đổi sòng phẳng của kinh tế hàng hóa cũng xâm nhập vào đời sống chính trị của Đảng, Nhà nước ta. Một số cán bộ, đảng viên không thể chống đỡ nổi sự tác động của thế lực đồng tiền nên đã lún sâu vào xa hoa, trụy lạc, ra sức thực hiện trao đổi quyền và tiền, rơi vào vòng xoáy của nạn tham nhũng.
Do vậy, phòng và chống tham nhũng phải đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan và đạo đức cách mạng.
Chúng ta đang tiến hành cuộc vận động chống tham nhũng đồng thời với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hai cuộc vận động này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ nhằm hướng tới mục tiêu phòng, chống tham nhũng; muốn phòng, chống tham nhũng có kết quả thì phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Tách rời hai cuộc vận động ấy với nhau thì không có cuộc vận động nào mang lại kết quả mong muốn. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải đạt được kết quả thiết thực, không phải chỉ là hiểu được tấm gương đạo đức của Người mà phải làm theo tấm gương đó một cách thực tiễn. Học và làm, lý luận và thực tiễn ở đây phải gắn kết chặt chẽ.
Giáo sư Trần Nhâm