Điểm báo tuần số 487 từ ngày 29/8 đến ngày 11/9 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 12/09/2022, 10:31 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tin tức, VietNamplus, Thanh tra, Xây dựng, Công thương, Giao thông, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Công lý, Đầu tư, Lao động, Người Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/8) cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước… Theo quyết định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án và 03 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 01 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2022. Trước đó, ngày 12/8, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 21 bị án. Đối tượng đặc xá bao gồm người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án. Các quyết định này được thực hiện theo Hướng dẫn số 73/HD-HĐTVĐX triển khai Quyết định số 766/2022/QĐ-CTN, ngày 01/7/2022 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022.
 
Họp báo công bố đặc xá năm 2022
Họp báo công bố đặc xá năm 2022
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (31/8) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 10 bị cáo trong vụ tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội tử hình về các tội: Mua bán, Tổ chức sử dụng và Tàng trữ trái phép chất ma túy. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ngọc tử hình về hai tội: Mua bán và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bị cáo Nguyễn Trung Nguyên 26 năm tù về cả hai tội danh này. Bị cáo Nguyễn Công Thường bị phạt tù chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Liên quan vụ án, bị cáo Đỗ Thị Lưu, cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nguyễn Anh Vũ, cựu kỹ thuật viên Bệnh viện 7 năm tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thị Hạt, điều dưỡng và hộ lý bệnh viện cùng bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hai bị cáo còn lại là Lê Hoàng Hải 7 năm 6 tháng, Bùi Chí Hải 9 năm tù về cùng tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài án phạt tù các bị cáo, Hội đồng xét xử còn kiến nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra sai phạm nếu có của lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tại thời điểm để xảy ra vụ án, để không bị lọt tội phạm.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (31/8) dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả Kỳ họp thứ 11 của cơ quan này, theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đã đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Hà Quang Dĩnh, đảng viên Chi bộ Tổ dân phố Chiềng Sại, Đảng bộ thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Dĩnh đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật và quy trình của ngành Tòa án về xử lý vật chứng, ra quyết định trái pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các tổ chức đảng xem xét, xử lý kỷ luật ông Hà Quang Dĩnh theo thẩm quyền. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp lãnh đạo quản lý, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (01/9) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiến hành Kỳ họp thứ 18 để xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng, trong đó có thi hành kỷ luật một số cán bộ. Cụ thể, thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với các ông Phạm Văn Tình, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh; Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Trưởng phòng Quy hoạch - kiến trúc - hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị (Sở Xây dựng). Những cá nhân trên đã để xảy ra vi phạm trong việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án khu dân cư Phú Nhân Nghĩa tại xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh. Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Bí thư Chi bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới, chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. Cùng mức kỷ luật còn có ông Nguyễn Hữu Dực, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở NN&PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng phòng OCOP, phụ trách kế toán Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. Thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đặng Đình Giang, Trưởng phòng Hành chính - tổng hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. Ngoài ra, tại cuộc họp này Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh còn xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Đăng Nhật, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Xuyên - vì liên quan trong việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN (04/9) đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với các đảng viên vi phạm pháp luật. Cụ thể, ông Lương Ngọc Thế, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phường Cẩm Thủy khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Thủy nhiệm kỳ 2021-2026 bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng, do bị Tòa án xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội đánh bạc. Ông Khổng Văn Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Hải khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hải, Phó Chủ tịch xã Cẩm Hải nhiệm kỳ 2016-2021 bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng, do bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Cẩm Phả khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Ông Khổng Xuân Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Hải khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đoàn thanh niên xã Cẩm Hải; cán bộ địa chính xã Cẩm Hải giai đoạn 2014-2016 bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng, do bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Cẩm Phả khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
 
    Liên quan đến các nội dung nhằm tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07/9) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Tuấn Lâm, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo điều tra, Bùi Tuấn Lâm là thành viên của một số tổ chức là các hội, nhóm chống Đảng, Nhà nước Việt Nam và các tổ chức phản động lưu vong. Bùi Tuấn Lâm từng tham gia khóa huấn luyện về “xã hội dân sự”, “đấu tranh bất bạo động”; thường xuyên tham gia các buổi thảo luận về học thuyết xã hội nhằm đào tạo lực lượng hình thành xã hội dân sự; tham gia với các đối tượng chống đối chính trị viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết hoạt động kích động biểu tình, gây rối… Từ năm 2013 đến nay, Bùi Tuấn Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ xúy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước; xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước đây, Công an thành phố Đà Nẵng và chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, cảnh báo, tuy nhiên, Bùi Tuấn Lâm tỏ thái độ bất hợp tác, thách thức và ngày càng công khai, quyết liệt chống phá. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (08/9) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Đăng Phước để điều tra về hành vi Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo điều tra, từ năm 2019 đến nay, Đặng Đăng Phước, trú tại số nhà 19/6 đường Giải Phóng, tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột đã lợi dụng mạng xã hội facebook thường xuyên biên soạn, đăng tải nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, giáo dục và yêu cầu đối tượng chấm dứt hành vi này nhưng đối tượng này không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng quyết liệt, cực đoan hơn. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/9) dẫn nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phan Sơn Tùng, trú tại phòng 2108, Tòa S4 Chung cư Seasons Avenue, đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các quyết định tố tụng trên đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn. Vụ án đang được Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (08/9) cho biết, từ ngày 06 đến ngày 08/9/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 19 để xem xét, kết luận một số nội dung: Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Lương Văn Cầu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Trọng Hưng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh. Xem xét kết quả kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi xử lý kỷ luật nghiêm các tập thể, cá nhân có vi phạm ở Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh; xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Nội vụ về việc đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân liên quan trong thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện chủng virus Corona mới 2019”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chỉ đạo khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm; rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và một số nội dung quan trọng khác.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/8) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cùng bị Tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương) bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 13 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Minh là 27 năm tù. Bị cáo Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Vũ là 23 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV) bị phạt 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 8 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Hải là 17 năm tù. 3 bị cáo: Võ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Vượng bị phạt 5 năm tù; Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển và Trần Đình Như Ý, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển đều bị phạt 3 năm tù treo về cùng tội “Tham ô tài sản”. Các bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, trong đó có 11 bị cáo khác đều nguyên là cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra (30/8) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 6 bị cáo về các tội “đưa hối lộ, nhận hối lộ”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận. Các bị cáo gồm: Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Việt Lê xét xử về tội “đưa hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Lân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân xây dựng và thương mại Trúc Lâm; Lưu Quốc Phong, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thành Việt xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Châu Khoa, Giám đốc và Trần Lê Anh Khoa, Phó giám đốc của Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Trùng Dương cùng bị cáo Nguyễn Phú Cường, nhân viên phòng kế hoạch - kỹ thuật của Công ty cấp nước cùng xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau 02 ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Phương 8 năm tù về 2 tội “đưa hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Lân 12 tháng tù và Lưu Quốc Phong 12 tháng tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Trần Lê Anh Khoa 15 tháng tù, bị cáo Nguyễn Châu Khoa 12 tháng tù cho hưởng án treo và Nguyễn Phú Cường 12 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (31/8) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt các bị cáo nguyên là Giám đốc, Kế toán trưởng, Thủ quỹ, Phó phòng Kế toán tài vụ thuộc Công ty Cà phê Ia Sao 2 về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Cà phê Ia Sao 2 đã tiến hành bán thanh lý cây muồng và vỏ trấu nhằm có tiền sử dụng vào các chi phí khác của Công ty. Nhưng Phan Thị Thanh, quyền Giám đốc Công ty từ năm 2016 đến tháng 7/2018 và Vũ Văn Đại, Giám đốc Công ty từ tháng 8/2018 đến năm 2020 đã chỉ đạo Dương Thị Liên, Kế toán trưởng từ năm 2016 đến tháng 11/2019; Nguyễn Thị Minh Huệ, Thủ quỹ từ năm 2016 đến năm 2020 và Nguyễn Trọng Thể, Phó phòng Kế toán tài vụ (Phụ trách Tài chính kế toán) từ tháng 12/2019 đến năm 2020 để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai, không hạch toán vào nguồn thu của đơn vị và không báo cáo doanh thu về Tổng công ty Cà phê Việt Nam gây thiệt hại số tiền hơn 732 triệu đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phan Thị Thanh, 3 năm 6 tháng tù giam; bị cáo Dương Thị Liên 2 năm tù giam; Nguyễn Thị Minh Huệ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm; Vũ Văn Đại và Nguyễn Trọng Thể bị tuyên lần lượt là 2 năm và 1 năm cải tạo không giam giữ.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/9) dẫn nguồn tin từ Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho hay, bị cáo Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội, đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bản thân không có tội, bị oan. Trước đó, ngày 14/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7,5 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Ngoài ra, 3 đồng phạm khác dưới thời bị cáo này giữ chức vụ Trưởng Công an quận Tây Hồ cũng bị tuyên phạt tội “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”. 
 
    TTXVN, báo Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamplus, Lao động, Thanh tra, Pháp luật TP.HCM, Thanh niên, VietNamNet, VnExpress, Đời sống pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN (05/9) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng số 4227 truy tố 8 bị can trong vụ án gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh. Các bị can là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Minh Khải (Giám đốc), Võ Thị Chinh Nga (Phó Giám đốc), Nguyễn Trí Dũng (Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức), Phan Thị Bích Hạnh (Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng Khoa Tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (Phó Trưởng Khoa Khám mắt). Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa án tuyên các bị can liên đới bồi thường số tiền thiệt hại trên. Đối với các nhà thầu trong vụ án, Cơ quan điều tra chưa phát hiện chứng cứ về việc có sự “tác động” tới lãnh đạo Bệnh viện để trúng thầu nên chưa có căn cứ xem xét xử lý. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã làm việc với 11.161 bị hại là người bệnh, trong đó có 1.979 người đề nghị bồi thường thiệt hại.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/9) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đã khởi tố bị can đối với hai cựu Giám đốc Sở Xây dựng là ông Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Quốc Định về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can Lê Thiện Anh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án khu đô thị Đông Bắc về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là diễn biến tiếp theo trong việc mở rộng điều tra xung quanh sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hành chính và công trình công cộng cửa ngõ Đông Bắc thành phố Cà Mau. Trước đó, ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố và bắt tạm giam đối với Hồ Hoàn Kiếm (cựu Giám đốc) và Trương Công Long (cựu Phó Giám đốc Ban quản lý dự án khu đô thị Đông Bắc) về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo điều tra, trong quá trình quản lý, điều hành dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hành chính và công trình công cộng cửa ngõ Đông Bắc của thành phố, các bị can Hồ Hoàn Kiếm, Trương Công Long thực hiện không đúng các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gây thiệt hại tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/9) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Y tế và các đồng phạm trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng, chống dịch cúm A/H5N1 vào năm 2006. Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Dương Huy Liệu, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế… Bên cạnh đó, bốn người bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm Lương Văn Hóa (nguyên Tổng Giám đốc), Nguyễn Thanh Tòng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Cửu Long) và hai cựu cán bộ là Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/9) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Thị Trinh Nữ, ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2019-2021, Đặng Thị Trinh Nữ đã lợi dụng mối quan hệ quen biết để vay mượn tiền của nhiều bị hại; góp tiền mua đất bán lại để thu lời nhưng thực tế đối tượng dùng số tiền này để trả gốc, lãi cho ngân hàng, sau đó chiếm đoạt, đến nay không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, để tạo lòng tin cho khách hàng đối tượng đã đặt làm con dấu giả của Văn phòng Công chứng và lập hợp đồng giả mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các khách hàng. Tổng số tiền Đặng Thị Trinh Nữ chiếm đoạt của các bị hại là hơn 50 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Công lý, Tuổi trẻ, VietNamPlus, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, An ninh thủ đô (01/9) đưa tin, một tòa án của Malaysia đã kết án 10 năm tù giam đối với bà Rosmah Mansor, vợ của cựu Thủ tướng Najib Razak, với tội danh đòi hối lộ và nhận hối lộ đổi lấy các hợp đồng của chính phủ. Thẩm phán Tòa án cấp cao Kuala Lumpur, ông Mohamed Zaini Mazlan cho biết ngoài án tù giam, bà Rosmah cũng bị phạt tiền 970 triệu ringgit (216,45 triệu USD) liên quan 3 tội danh tham nhũng. Hiện bà được bảo lãnh tại ngoại chờ kháng cáo lên các tòa cấp cao hơn. Theo các công tố viên, bà Rosmah đã đòi hối lộ 187,5 triệu ringgit (41,80 triệu USD) và đã nhận 6,5 triệu ringgit từ một quan chức của công ty giành được dự án trên. Tuy nhiên, bà Rosmah khẳng định bà bị cựu trợ lý của bà cùng một số quan chức chính phủ và công ty liên quan đến dự án mưu hại. Ngoài ra, bà Rosmah cũng phải đối mặt với 17 cáo buộc rửa tiền và trốn thuế trong một vụ kiện khác. 
 
    Báo VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ, Đài TNVN (01/9) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo khai trừ Đảng và miễn nhiệm mọi chức vụ đối với Lưu Nghiêm Bình, 67 tuổi, cựu Thứ trưởng Công an, sau khi ông này bị kết tội tham nhũng; khai trừ Đảng và cách chức Vương Tân, cựu Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc, đồng thời là Bí thư Đảng ủy doanh nghiệp vì có hành vi hối lộ và tham nhũng; Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cũng ra thông báo cho hay, hai cựu quan chức quản lý tài chính ở tỉnh Liêu Ninh là Trịnh Vĩ Hồng và Cận Tùng đã bị khai trừ khỏi Đảng, cách hết chức vụ vì tội nhận hối lộ và tham nhũng. Loạt quyết định kỷ luật được Trung Quốc công bố trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng vào giữa tháng 10. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người dự kiến tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba, coi chống tham nhũng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu từ khi lên nắm quyền.
 
    Báo Thanh tra (04/9) cho biết, một báo cáo của Cơ quan Giám sát tham nhũng (Corruption Watch) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tham nhũng, chiếm dụng nguồn lực, quản lý yếu kém và lạm dụng quyền lực tại các trường học và các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo (SETA) ở Nam Phi. Corruption Watch đã tập hợp, phân tích dữ liệu từ hơn 3.600 khiếu nại của học sinh, sinh viên, phụ huynh và người giám hộ trong 1 thập kỷ (từ năm 2012 đến năm 2021). Qua đó cho thấy, việc chạy theo các thủ tục và hối lộ là đặc điểm nổi bật trong lĩnh vực giáo dục của Nam Phi. Cơ quan Giám sát tham nhũng nói rằng, nhiều báo cáo tập trung vào việc các hiệu trưởng lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, nhiều nội dung khác bị “gắn cờ”, như hứa hẹn các vị trí việc làm trong ngành Giáo dục, hay các sinh viên bị “gạ” đổi tình lấy điểm... Theo Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) - một chỉ số tham khảo hàng đầu toàn cầu về tham nhũng trong khu vực công, đánh giá và xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, năm 2021, Nam Phi đạt 44 điểm trên thang điểm 100. Đây là điểm số được giữ nguyên trong 3 năm liền 2019, 2020, 2021.
 
    TTXVN (06/9) đưa tin, Nhật Bản bắt giữ một thành viên BTC Olympic Tokyo do nghi nhận hối lộ. Nguồn tin cho hay, các công tố viên Nhật Bản đang tập hợp hồ sơ để yêu cầu phát lệnh bắt giữ mới với ông Haruyuki Takahashi, cựu quan chức điều hành Ủy ban tổ chức Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 với cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn Kadokawa. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn các nguồn thạo tin cho biết hãng xuất bản Kadokawa Corp đã chuyển 70 triệu yen (500.000 USD) cho một công ty tư vấn do một người quen của ông Takahashi điều hành. Văn phòng Công tố quận Tokyo đã đề nghị thẩm vấn người quen của ông Takahashi trên cơ sở tự nguyện và cũng đang hoàn tất hồ sơ cáo buộc các lãnh đạo của Kadokawa có hành vi hối lộ. Trước đó, ngày 05/9, các công tố viên đã khám xét các văn phòng của Công ty quảng cáo Daiko, có trụ sở ở Osaka và chi nhánh tại Tokyo để điều tra cáo buộc hối lộ. Chủ tịch Tsuguhiko Kadokawa khẳng định khoản tiền trên được sử dụng chi trả phí tư vấn liên quan các hoạt động thể thao và tin tưởng không có chuyện công ty hối lộ ông Takahashi. Hiện ông Takahashi và Hironori Aoki, Chủ tịch tập đoàn bán lẻ quần áo Aoki, cùng 2 người khác đã bị bắt giữ vì liên quan một cáo buộc hối lộ khác với tổng số tiền 51 triệu yen. Tòa sẽ ra quyết định thụ lý vụ việc hay không trong ngày 06/9.
 
    TTXVN (06/9) cho biết, Tổng thống Peru Pedro Castillo đã xuất hiện trước các công tố viên để trả lời các cáo buộc cho rằng ông điều hành một mạng lưới tham nhũng từ chính văn phòng của mình. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Castillo không chỉ bác bỏ và thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc sai lệch nói trên, mà còn sẵn sàng đối mặt với công lý. Trong khi đó, luật sư Benji Espinoza phát biểu trước báo giới rằng: “Tổng thống (Castillo) phủ nhận mọi cáo buộc, tuyên bố ông vô tội”. Đây là lần thứ 3, Tổng thống Castillo xuất hiện trước các nhà điều tra và ông đang là đối tượng của 6 cuộc điều tra hình sự do Văn phòng Tổng chưởng lý của Peru tiến hành. Ông Castillo sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2026. Theo luật pháp Peru, tổng thống có quyền miễn trừ và không bị truy tố khi còn đương chức.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Công bố Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước;
    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ họp thứ 19 xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng;
    - Tuyên án cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.