Điểm báo tuần số 404 từ ngày 25/01 đến ngày 31/01 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 01/02/2021, 14:25 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/01) đồng loạt đưa tin, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Đại hội tiến hành từ ngày 26/01 đến 02/02/2021, có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới đất nước; thảo luận, thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; các báo cáo: Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đại hội được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"; tham dự Đại hội XIII có 1.587 đại biểu; trong đó đại biểu đương nhiệm có 191 đồng chí là Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 1.381 đại biểu chính thức được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, 15 đại biểu ngoài nước được Bộ Chính trị chỉ định… 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Chính phủ, Quân đội nhân dân, Website Đại hội Đảng, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Lao Động, Đại đoàn kết, Tuổi Trẻ, Tiền Phong (27/01) đưa tin, tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, phát huy truyền thống Anh hùng vẻ vang hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng CAND nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng và nhân dân…; lực lượng CAND luôn nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thường xuyên nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch; hun đúc bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Quyết tâm phấn đấu xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, thể hiện ý chí, trách nhiệm của toàn lực lượng CAND về khát vọng và niềm tin xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, mỗi người dân Việt Nam được hưởng thụ cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình; xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước ta hùng cường, phát triển và phồn vinh.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Kiểm sát Online, Lao Động, Chính phủ, Công lý, Công an nhân dân (27/01) đưa tin ngành Kiểm sát nhân dân vừa ban hành Kế hoạch số 09/KH-VKSTC về trọng tâm công tác tuyên truyền năm 2021 của ngành; trong đó yêu cầu viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát trong việc cung cấp thông tin theo Quyết định số 596/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao. Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện tốt định hướng nhiệm vụ, trọng tâm công tác tuyên truyền của toàn Ngành trong năm 2021 được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 là: Tuyên truyền định hướng thông tin về vị trí, vai trò của VKSND trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong xây dựng, phát triển đất nước; xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác, thi đua khen thưởng của các đơn vị trong năm 2021 là tập trung tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, về xây dựng và áp dụng pháp luật, về những nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành KSND.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30/01) cho biết, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đến kiểm tra công tác trực ban, trực chiến của lực lượng Công an tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm chỉ huy của Tiểu ban An ninh, trật tự (ANTT) Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận những kết quả bước đầu của Tiểu ban ANTT Đại hội XIII và lực lượng Công an nhân dân đã đạt được; biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Công an các đơn vị, địa phương, đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ nay đến khi kết thúc Đại hội, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình ANTT. Phối hợp tốt các đơn vị liên quan, chủ động nắm chắc tình hình từ xa, từ sớm, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất. Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải coi trọng nguyên tắc, nội quy, quy định nhưng cũng phải linh hoạt, chu đáo, tạo thuận lợi và bảo đảm điều kiện sinh hoạt bình thường của người dân. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào thành công chung của Đại hội; duy trì quân số trực ban, trực chiến, thông tin báo cáo theo đúng quy định.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Lao động, Bảo vệ pháp luật, Gia đình, Pháp luật xã hội (26/01) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Tiến, đều là  cựu Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, về tội "Nhận hối lộ”. Theo cáo trạng, chiều 27/4/2016, kiểm tra xe ôtô tácxi có khách là Tạ Duy Thanh, tổ công tác 141 Công an Hà Nội phát hiện thanh niên này tàng trữ ma tuý. Tổ công tác đã bàn giao hồ sơ vụ việc cùng đối tượng cho Đồn Công an Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội, để làm rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Hai bị cáo Dũng và Tiến khi đó là cán bộ, điều tra viên Công an huyện Thanh Trì được phân công giải quyết vụ việc Tạ Duy Thanh có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi giải quyết vụ án, cả hai đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, yêu cầu chị Đôn Thị L (người sống chung với Tạ Duy Thanh như vợ chồng) phải đưa số tiền 150 triệu đồng để cho đối tượng Thanh về nhà. Theo bản án sơ thẩm, Tiến chỉ đạo Dũng yêu cầu chị Đôn Thị L phải đưa số tiền 150 triệu đồng. Bị cáo Dũng không báo cáo lãnh đạo cấp trên mà còn tích cực thực hiện. Tại phiên toà phúc thẩm, cả hai bị cáo đều không thừa nhận hành vi. Song TAND Hà Nội xác định có đủ cơ sở để cáo buộc Tiến và Dũng nhận hối lộ.
 
    Báo Tiền phong, Công luận, Pháp luật Việt Nam, Lao động (27/01) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy tại dự án hơn 4 nghìn tỷ đồng đối với 4 cán bộ xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào năm 2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng (sau điều chỉnh), từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất làm khu tái định cư số 1 sẽ được triển khai tại xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư. Biết thông tin này, Hưu, Sơn, Nghĩa, Nguyên, là Cư Elang đã nhờ 3 cặp vợ chồng này nhận tiền và được chia quyền lợi. Tổng số tiền 9 bị cáo đã nhận trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng. Đối với hành vi của Đỗ Văn Hưu cùng với  Lê Thành Nguyên đã xác nhận cho hộ bà Nguyễn Thị Chạm không đúng đối tượng được đền bù, dẫn đến thất thoát cho nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Tòa án, Việt Nam Plus, Dân trí (27/01) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Chính phủ Vương quốc Anh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo, phân tích so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam; nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, tập trung đi sâu phân tích so sánh các cơ chế đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp tại một số quốc gia: Singapore, Malaysia, Cộng hòa liên bang Đức, đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện các chính sách, quy phạm pháp luật và các cơ chế để đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, chú trọng tới tính độc lập của hệ thống tư pháp, bảo đảm hiệu quả của hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản; bảo đảm thu nhập của thẩm phán để thẩm phán có thể độc lập, kiên định bảo vệ công lý và giữ gìn liêm chính của thẩm phán; xây dựng cơ chế giám sát và kỷ luật thẩm phán thích hợp để bảo đảm tính độc lập của hệ thống tòa án và liêm chính trong hoạt động tư pháp; phát triển hệ thống tòa án chuyên trách liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại và tăng cường tính chuyên nghiệp của hệ thống tòa án; công khai hoạt động tố tụng để đảm bảo tính minh bạch của quá trình tố tụng cũng như kiểm soát được thời gian giải quyết vụ án…
 
 
    Báo Thanh tra (29/01) cho biết, ngày 28/01,Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020. Qua đó, cho thấy một bức tranh màu xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới. Phân tích của TI làm nổi bật rằng: Tham nhũng chuyển hướng dòng tiền từ những dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, khiến các quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương và thiếu chuẩn bị để đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng; sự thiếu minh bạch trong việc phân bổ các nguồn lực-một thực tiễn gắn liền với tham nhũng - làm suy yếu hiệu quả của các ứng phó khủng hoảng; các quốc gia hoạt động kém trong việc kiểm soát tham nhũng có xu hướng vi phạm nhân quyền và các chuẩn mực dân chủ trong quản lý đại dịch COVID-19 của họ. Khu vực đạt điểm CPI cao là Tây Âu và Liên minh châu Âu với điểm trung bình là 66. Các khu vực đạt điểm thấp là châu Phi cận Sahara (32) và Đông Âu và Trung Á (36). Trong đó, New Zealand tiếp tục là một trong những quốc gia có chỉ số CPI dẫn đầu, cả trong khu vực và trên toàn thế giới, với số điểm 88. Tiếp theo là Singapore (85), Úc và Hồng Kông (Trung Quốc) (77). Ở phía ngược lại, Campuchia (21 điểm), Afghanistan (19) và Triều Tiên (18) có số điểm CPI thấp nhất trong khu vực; các nền kinh tế quan trọng của châu Á như Ấn Độ (40 điểm), Indonesia (37) và Bangladesh (26) có tiến triển chậm trong nỗ lực chống tham nhũng, với một số cam kết cải cách của Chính phủ chưa thành hiện thực; Maldives (43 điểm), tăng 14 điểm CPI so với năm ngoái, cho thấy một xu hướng tích cực và có những tiến bộ trong không gian dân chủ; với số điểm 19, Afghanistan là một nhân tố cải thiện đáng kể chỉ số CPI, tăng 11 điểm kể từ năm 2012. Nước này đã tiến hành các cải cách pháp lý cũng như thể chế đáng kể và gần đây đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban chống tham nhũng mới; là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar (28 điểm) là quốc gia có chỉ số CPI tăng 13 điểm kể từ năm 2012, trong khi Timor-Leste (40 điểm) cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể, tăng 10 điểm kể từ năm 2013.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (26/01) cho biết, người dân Tunisia tiếp tục tuần hành chống lại sự đàn áp của cảnh sát và phản đối tham nhũng trong bối cảnh Chính phủ cấm tụ tập vì số vụ COVID-19 gia tăng; những người biểu tình hô vang “không sợ hãi, đường phố thuộc về người dân” và “người dân muốn chế độ sụp đổ” - khẩu hiệu phổ biến trong làn sóng Mùa xuân Ả Rập cách đây một thập kỷ; họ cũng giơ biểu ngữ kêu gọi thả hàng trăm người biểu tình bị giam giữ kể từ ngày 14/01. Cảnh sát cho biết, hơn 700 người đã bị bắt sau các cuộc đụng độ vào tuần trước, trong đó có những người trẻ tuổi ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh, trong khi lực lượng này sử dụng hơi cay và vòi rồng để đáp trả; nguyên nhân của các cuộc xuống đường là do người dân tức giận trước tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và một tầng lớp chính trị bị cáo buộc đã không đưa ra được nền quản trị tốt, sau một thập kỷ kể từ cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ Tổng thống lâu năm Zine El Abidine Ben Ali.
 
    Báo Vnexpress, Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong (29/01) đưa tin, Trung Quốc tử hình quan tham trữ ba tấn tiền trong nhà. Lại Tiểu Dân đã bị tử hình sau phán quyết của một tòa án thành phố Thiên Tân. "Số tiền hối lộ mà Lại Tiểu Dân nhận rất lớn, tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội", CCTV dẫn lời Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, nơi đã xem xét và thông qua án tử hình; khi bị bắt vào năm 2018, Lại Tiểu Dân, 58 tuổi, bị phát hiện sở hữu số lượng lớn tài sản, đồng hồ sang trọng, xe hơi, vàng, 120 căn hộ và các bộ sưu tập nghệ thuật. Cảnh sát còn tìm thấy hơn 200 triệu nhân dân tệ (gần 31 triệu USD), tương đương ba tấn tiền mặt, trong căn hộ trên… 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
    - Tham luận của đoàn đại biểu Công an nhân dân tại đại hội XII của Đảng
    - Hội thảo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam”
    - Người dân Tunisia tiếp tục tuần hành chống lại sự đàn áp của cảnh sát và phản đối tham nhũng
    - Trung Quốc tử hình quan tham
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.