Cần Thơ: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp quý I/2022

Thứ Hai, 18/04/2022, 18:01 [GMT+7]
    Trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thành phố Cần Thơ đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp; tham mưu ban hành Chương trình số 02-CTr/BCĐ, ngày 03/3/2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố về trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022; cơ quan chức năng phối hợp dự thảo Đề án thí điểm khuyến khích đội ngũ luật sư tham gia và các hoạt động của Thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025; tham dự Hội thảo quốc gia với chủ đề “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ (tháng 3/2022)
Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ (tháng 3/2022)
    Các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); tích cực nghiên cứu, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương; công tác bổ trợ tư pháp, thi hành án hình sự được phối hợp thực hiện tốt; tiếp tục rà soát hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định.
 
    Trong quý I vừa qua, Công an Thành phố đã triển khai thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra Công an Thành phố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp theo quy định, chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; luôn thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác tư pháp, cải cách tư pháp  và hoạt động tư pháp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, xử lý tội phạm.
 
    Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố thực hiện chủ trương bố trí Viện trưởng không phải là người địa phương. Hiện nay có 09/09 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương, tỷ lệ 100%; chủ động phối hợp với Tòa án và Cơ quan Thi hành án giải quyết những vụ việc phức tạp, tồn đọng, tháo gỡ vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự; chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích công chức phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công việc.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định của ngành và nhu cầu của đơn vị; điều động, luân chuyển cán bộ tư pháp theo yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị địa phương; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân của Thành phố trong sạch, vững mạnh.
 
    Các hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Trên địa bàn Thành phố hiện có 311 luật sư, 148 tổ chức hành nghề luật sư. Ngoài ra, có 03 Trung tâm Tư vấn pháp luật thuọc Liên đoàn Lao động, Đoàn Luật sư và Hội Luật gia Thành phố, với 37 tư vấn viên pháp lý; có 02 tổ chức giám định công lập, gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Thành phố; 01 Trung tâm Pháp y tâm thần do Bộ Y tế quản lý và 01 tổ chức giám định theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, với 140 giám định viên; đã phát triển được 32 tổ chức hành nghề công chứng với 68 công chứng viên; có 02 văn phòng thừa phát lại với; có 10 tổ chức đấu giá tài sản; 02 trung tâm trọng tài thương mại và 02 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. 
 
    Các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố đề ra chương trình giám sát năm 2022, với các hoạt động giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các cơ quan tư pháp Thành phố, quận, huyện; giám sát việc quản lý, sử dụng công chức trên địa bàn Thành phố… Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố hoặc yêu cầu của Bộ, ngành Trung ương, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân sẽ phối hợp hoặc thực hiện giám sát các nội dung phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ.
 
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Cần Thơ thường xuyên phối hợp với các ngành tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; lắng nghe ý kiến Nhân dân, báo chí, dư luận xã hội để kịp thời góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuệ Minh
.