Bắc Kạn: Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp
Thứ Tư, 04/12/2019, 06:08 [GMT+7]
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh, giúp hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 683-QĐ/TU ngày 15/3/2004 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCTP; nghiên cứu xây dựng các đề án cụ thể về lĩnh vực tư pháp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định; chỉ đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCTP trên địa bàn tỉnh.
Một hội nghị công tác cải cách tư pháp tỉnh Bắc Kạn |
Sau khi Nghị quyết số 49-NQ/TW được ban hành, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 08/12/2005 về tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh; Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 19/3/2007 triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 (giai đoạn 2007-2010); Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 09/5/2014 triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 165-KH/TU ngày 06/10/2014 về việc triển khai thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh…
Hàng năm, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh ban hành chương trình trọng tâm, kế hoạch thực hiện và phân công các thành viên chỉ đạo từng nội dung công việc gắn với lĩnh vực chuyên môn và chức trách được giao. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh thường xuyên được kiện toàn, bổ sung kịp thời, đảm bảo đủ số lượng, thành phần tham gia và duy trì chế độ họp định kỳ hằng quý theo quy chế hoạt động; kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCTP. Thông qua các cuộc họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp như: Rà soát cơ sở vật chất tại các nhà tạm giữ hành chính của công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, giám định viên tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã; việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp, các tổ chức bổ trợ tư pháp...
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành đã có nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược CCTP. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW và các văn bản có liên quan đến cán bộ, đảng viên. Hằng năm, Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, địa phương. Theo đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục được tăng cường; chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp được nâng lên rõ rệt: Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đảm bảo đúng quy định, hạn chế việc oan sai, bỏ lọt tội phạm; hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đạt được nhiều kết quả; giảm tỷ lệ án hình sự phải đình chỉ điều tra do không phạm tội; tỷ lệ án hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được hạn chế và giảm dần; việc tạm giữ, tạm giam, áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đều có căn cứ...
Công tác thi hành án hình sự, dân sự được thực hiện đúng quy định, đảm bảo các bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án được thực thi; việc tổ chức hội trường xét xử thân thiện được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong tòa án nhân dân hai cấp từ 01/01/2018; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đảm bảo chỉ tiêu mỗi thẩm phán/01 phiên tòa rút nghiệm/1 năm; việc đăng tải bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao được quan tâm thực hiện đúng quy định.
Hoạt động bổ trợ tư pháp được quan tâm chú trọng, từng bước đáp ứng được yêu cầu CCTP. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp thường xuyên được củng cố, kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp được quan tâm thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất và quan tâm rà soát để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược CCTP, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, quyền công dân.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tư pháp để nắm rõ thực trạng và tình hình, kết quả thực hiện, qua đó có định hướng chỉ đạo phù hợp, kịp thời...
Từ năm 2005 đến năm 2013, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra đối với các huyện, thành ủy về việc thực hiện nhiệm vụ CCTP. Từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã thực hiện 08 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các huyện, thành ủy và 04 cuộc kiểm tra đối với một số cơ quan tư pháp: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh. Qua đó, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo những vấn đề cụ thể như: Khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên tại một số đơn vị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém...
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh những năm qua còn có những hạn chế như: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy chưa thật sự hợp lý; trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn yếu nên còn để xảy ra oan sai trong quá trình thực thi pháp luật; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động cải cách tư pháp chưa thật sự đáp ứng điều kiện thực tế của địa phương...
Để khắc phục những hạn chế trong công tác CCTP và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như: Các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo quán triệt các văn bản của Trung ương và của địa phương về Chiến lược CCTP; tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Hiến pháp 2013 và các luật.
Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 22-KL/TU ngày 04/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật trong nhân dân.
Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ luật sư hoạt động trên địa bàn. Động viên cán bộ tư pháp thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Hồng Hà