An Giang: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thứ Ba, 18/04/2023, 09:49 [GMT+7]
    Trong quý I/2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh An Giang được cấp ủy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm và có sự chuyển biến tích cực. 
 
    Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm cho mọi người thấy rõ quyết tâm, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạo đức liêm chính; xây dựng văn hóa liêm chính, tuân thủ pháp luật, không cần, không muốn tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Các cấp, các ngành đã thực hiện 54 lớp với gần 2.000 lượt người tham dự, trọng tâm là Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; thực hiện nhiều tin, bài về phòng, chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thị trấn.
 
Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2023 với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy điểm cầu tỉnh An Giang
Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2023 với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy điểm cầu tỉnh An Giang
    Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả hai mặt phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, lấy phòng ngừa là chính. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong các hoạt động; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác cũng được triển khai toàn diện và tích cực hơn. Các cấp, ngành và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách Nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. Qua kiểm tra tại 20 đơn vị, chưa phát hiện sai phạm.
 
    Thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 17 người thuộc thẩm quyền quản lý.
 
    Cơ quan Điều tra, Công an tỉnh cũng đang thụ lý điều tra 2 vụ/ 10 bị can. Cụ thể: (1) Vụ nguyên cán bộ địa chính UBND xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú có hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với số tiền sai phạm hơn 4,3 tỷ đồng; (20 Vụ “tham ô tài sản” xảy ra năm 2020, 2021 tại UBND xã Hòa An, huyện Chợ Mới, với số tiền sai phạm 1,415 tỷ đồng.
                                                                                          Kim Long
.