Phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự
Thứ Sáu, 15/10/2021, 05:53 [GMT+7]
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo ngành Thi hành án dân sự tiến hành rà soát lại kế hoạch kiểm tra để đổi mới, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thành lập 15 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành án... Bộ Tư pháp đã tiến hành 7 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra đột xuất, thanh tra để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự địa phương.
Cuộc họp liên ngành đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Bộ Tư pháp tổ chức |
Theo đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm, thiếu sót trong tổ chức thi hành án. Các cục thi hành án dân sự phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 1/3 số đơn vị trên địa bàn. 100% các cục, chi cục Thi hành án dân sự phải thực hiện công tác tự kiểm tra, trong đó, tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm những việc thi hành án cho tổ chức tín dụng, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ. Đến nay cơ bản đã hoàn thành việc tự kiểm tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu.
Hội đồng nhân dân các địa phương đã thực hiện và ban hành kết luận đối với 105 cuộc giám sát công tác thi hành án dân sự. Hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; kịp thời phát hiện các sai phạm, khắc phục các hậu quả và chấn chỉnh, xử lý nghiêm; quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan thi hành án dân sự. Nhiều cán bộ, không kể là công chức hay lãnh đạo nếu sai phạm đều bị xử lý nghiêm.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, kết quả thi hành án cơ bản giữ được nhịp so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, về việc, trong số có điều kiện đã thi hành xong 375.338 việc, đạt 63,93%, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiền, trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong hơn 35.235 tỷ 965 triệu đồng, đạt 23,31%.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, toàn hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra tại chương trình hành động của hệ thống Thi hành án dân sự, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 3/4/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp, giai đoạn 2020-2025; chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, những vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt là một số vụ việc thi hành án kinh tế, tham nhũng có tài sản đảm bảo giá trị lớn. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự; phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, thiếu sót phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.
Thu Hương