Phú Thọ: Nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện Kết luận số 10-KL/TW

Thứ Tư, 08/09/2021, 06:40 [GMT+7]
    Ngay sau khi Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị cán bộ tỉnh để phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận đến các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đồng chí Bí thư các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc và các cơ quan đơn vị có liên quan. Căn cứ Kế hoạch của Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị ủy, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 10-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, nhận thức của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực.
 
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ
    Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 08/03/2017 tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, xác định định rõ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Kết luận số 10-KL/TW là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Quá trình thực hiện, 100% các huyện, thành, thị ủy. Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kết luận 10-KL/TW và các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
    Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ,chính quyền các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, tích cực, chủ động có trọng tâm, trọng điểm; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ, phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.
 
    Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận được quan tâm, chú trọng: Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ và phê duyệt chương trình kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy; trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện Kết luận 10-KL/TW. Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, từng ngành, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thống nhất chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh và rà soát các chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của các ngành để tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra.
 
    Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong những năm qua, Tỉnh ủy đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan tố tụng của tỉnh trong việc xử lý, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là đối với các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Gắn công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức với cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ. 
 
    Chỉ đạo các cấp ủy đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết đơn tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến tham nhũng kinh tế đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Đặc biệt, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa nội dung kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vào chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hằng năm, nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, sai sót để chấn chỉnh khắc phục, phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho các tổ chức đảng và đảng viên phát huy ưu điểm, kiến nghị khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm; góp phần ngăn chặn vi phạm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
                                                                                               Lê Hiếu
.