Banner

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020.

Thứ Bảy, 12/12/2020, 18:40 [GMT+7]
    Sáng 12/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì hội nghị. 
 
    Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cùng gần 700 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy; Giám đốc Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... và đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước dự Hội nghị trực tuyến.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Tham gia điều hành hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, nhũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương  trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 01/02/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Theo báo cáo, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đột  phá đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn nổi bật, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, có đến 93% ý kiến bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
    Trong giai đoạn 2013-2020, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều này đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, nhũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhũng trình bày Báo cáo tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, nhũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhũng trình bày Báo cáo tại Hội nghị
    Ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
 
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. 
Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 14.297 vụ/24.409 bị can, xét xử sơ thẩm 11.740 vụ/22.596 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng có chuyển biến tích cực, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
    Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã  trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế trọng điểm, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm: 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 07 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 07 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt khá cao. So sánh, năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013- 2020, đạt 32,04%. 
 
    Nhiều bộ, ngành, địa phương, công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt"; công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
 
    Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng được phát huy tốt hơn.
   
    Việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước từng bước được mở rộng.
 
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị
    Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định, nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đã đưa đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
 
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều bài học quý, có ý nghĩa về mặt lý luận, thực tiễn đã được rút ra. Đó là trong công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phải là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo; giải pháp phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tình hình đất nước, của địa phương.
 
    Trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch; từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng.
Tất Dũng - Đặng Phước
.
.