Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:12 [GMT+7]
    Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng xảy ra, tránh gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã đưa nhiệm vụ phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị. 
 
    Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cấp ủy, đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cụ thể:
 
    Kịp thời đăng tải trên Website Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng các văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Ngân hàng, các tin bài về tình hình và kết quả triển khai công tác phòng, chống tham nhũng để phổ biến rộng rãi tới các đơn vị trong toàn ngành triển khai, thực hiện. 
 
Một Hội nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Một Hội nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, học tập, bồi dưỡng kiến thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; sao gửi tài liệu, gửi các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng đến hòm thư điện tử của cán bộ, nhân viên để nghiên cứu, thực hiện; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các nội dung, các khóa đào tạo, học tập về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu về chính sách pháp luật, trong đó có chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 
 
    Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng gồm: Thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp phòng, chống tham nhũng; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và phòng, chống tham nhũng; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trọng tâm là các quy định mới về: hành vi tham nhũng; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng; quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong phòng, chống tham nhũng...
 
    Việc quán triệt nội dung, giải pháp về phòng, chống tham nhũng được gắn với các đợt sinh hoạt, học tập "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cuộc sinh hoạt đảng bộ, chi bộ các cấp, đến toàn thể các đảng viên, lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành Ngân hàng. 
 
    Theo báo cáo của các đơn vị, từ 2013 đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã tổ chức được 7.027 lớp/buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng với 522.771 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị tham gia.
 
    Qua đó, hình thành trên phạm vi toàn ngành Ngân hàng văn hóa minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật và trái đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, cần lên án mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức, hành vi chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
                                                                                          Quốc Tuấn
.