Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 12/09/2019, 16:54 [GMT+7]
    Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2018 trên hầu hết ở các tiêu chí cơ bản (số lượng đơn thư các loại, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, số đoàn đông người). Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
 
    Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 85,4% (mục tiêu đề ra là 85%), nhiều đơn vị có tỷ lệ giải quyết cao (trên 90%) như các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Bến Tre…
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019
    Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, cả về trình tự, thủ tục và nội dung. Công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai dân chủ;  nhiều vụ việc được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân...
 
    Theo đánh giá của Chính phủ, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm “nóng” là: Môi trường; liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng… Đáng chú ý, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP Hồ Chí Minh.
 
    Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%. Vẫn còn địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp cơ sở) chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu theo quy định của Luật Tiếp công dân, hoặc ngại tiếp công dân nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người. Trình độ năng lực một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; tham mưu giải quyết vụ việc còn sai sót. 
 
    Báo cáo cho thấy, hầu hết các địa phương được thanh tra, kiểm tra, giám sát trong năm 2019 đều có tình trạng này, như: Thái Bình, Trà Vinh, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng.... Trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại; còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.
 
    Bên cạnh các tỉnh có tỷ lệ giải quyết vụ việc thì còn một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết đạt thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra như các Bộ: Xây dựng (11,4%), Tài nguyên Môi trường (50%), Tư pháp (62,5%); các tỉnh: Quảng Ngãi (56,6%), Bắc Kạn (57,4%), Lai Châu (66,7%), Nam Định (67,0%), Hưng Yên (67,6%)...
 
    Hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, còn tình trạng nể nang, chưa kiến nghị xử lý kiên quyết những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhìn chung hiệu quả vẫn chưa cao…
 
    Về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, theo Tổng Thanh tra, Thủ tướng đã chỉ đạo quá trình giải quyết các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét đầy đủ, thấu đáo nội dung khiếu nại, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, nguyên nhân công dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia giải quyết, trao đổi, tạo đồng thuận hướng giải quyết vụ việc.
                                                                                            Hương Giang
.