Cụm thi đua số 3: Sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022
Thứ Năm, 15/09/2022, 14:00 [GMT+7]
Sáng 15/9/2022, tại Phú Yên, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong giai đoạn hiện nay” và sơ kết 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy của Cụm thi đua số 3. Các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có hơn 50 đại biểu, gồm các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của 13 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thuộc Cụm thi đua số 3, gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hoà, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; đại diện Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Phú Yên và đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng việc tổ chức Hội nghị chuyên đề này là rất cần thiết để ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy học hỏi nhau, từ đó có những tham mưu, đề xuất, kiến nghị kịp thời, chính xác cho các tỉnh ủy, thành ủy các giải pháp có hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Theo Báo cáo, 9 tháng đầu năm 2022, được sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các tỉnh ủy, thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền, ban ngành, mặt trận, đoàn thể tại địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, công chức, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy thuộc Cụm thi đua số 3 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tạo được sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy triển khai, cụ thể hóa có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khối nội chính để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quân sự, quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tham mưu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm; tham mưu hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thuộc Cụm thi đua số 3 có những chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng đã được phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu cấp ủy ban hành 582 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo, xử lý 170 vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, trong đó đã xử lý dứt điểm 47 vụ án, vụ việc; giúp thường trực tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, đôn đốc 148 vụ án, vụ việc qua đó đã xử lý dứt điểm 32 vụ; chủ trì, phối hợp tham mưu xử lý 53 vụ việc nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn; tiếp nhận 4.415 đơn, thư, trong đó: Có 3.122 đơn, thư do tỉnh ủy, thành ủy chuyển đến ban nội chính; 1.293 đơn, thư do ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tiếp nhận; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 79 cuộc/210 lượt tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; chủ trì, phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp tham mưu, giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 44 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tổ chức 31 cuộc kiểm tra, giám sát với các tổ chức đảng, cơ quan đơn vị địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, đồng thời cử nhiều lượt cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu thẩm định 111 dự thảo chỉ thị, báo cáo, kế hoạch, chương trình, đề án; tham gia ý kiến đối với 632 trường hợp trong công tác cán bộ…
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại Hội nghị |
Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; tham mưu, đề xuất cấp ủy, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về công tác cải cách tư pháp, tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc của Ban Chỉ đạo trên cơ sở đó, các cơ quan tư pháp, các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ về cải cách tư pháp.
Với nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu ban thường vụ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham mưu Ban Chỉ đạo tổ chức các phiên họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định; tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022; chỉ đạo ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chủ trì xây dựng Danh mục vụ án, vụ việc để Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo theo quy định.
Tuy nhiên, việc tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy trên lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp ở một số tỉnh có lúc, có nơi còn bị động, chưa kịp thời; việc tham mưu chỉ đạo việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến một số vụ việc còn kéo dài; công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng xử lý các cụ việc, vụ án có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, có việc còn để kéo dài…
Tại Hội nghị, đại diện các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy Cụm thi đua số 3 đã làm rõ những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong giai đoạn hiện nay, đưa ra những giải pháp cụ thể, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo để các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong Cụm thi đua số 3 nghiên cứu, học tập.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy Cụm thi đua số 3 trong thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp 9 tháng đầu năm 2022. Thời gian tới, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu: (1) Các ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương để tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp nhất là những văn bản mới; (2) Chủ động tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực, như: Lĩnh vực y tế, giáo dục nhất là trong sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; quản lý sử dụng đất đai; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước…; (4) Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; (5) Phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng của địa phương, chủ động nắm, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn... để không hình thành "điểm nóng", bị động, bất ngờ; (6) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân; tham mưu, giúp đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ chính trị.
Đặng Phước