Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương, quyết liệt kiểm tra, kết luận nhiều vụ việc khó, phức tạp

Thứ Tư, 12/01/2022, 07:29 [GMT+7]
    Ngày 11/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả ở các cấp như: Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW; Kết luận số 23-KL/TW ngày 10/12/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trên cơ sở đó, UBKT các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng bảo đảm khoa học, đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Theo báo cáo của  Ủy ban Kiểm tra Trung ương, năm 2021, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 51.620 tổ chức đảng và 272.512 đảng viên (có 55.666 cấp ủy viên), kết luận 371 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 308 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã khẳng định được bản lĩnh vững vàng, tính chiến đấu cao, có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Trong đó, có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đã được kịp thời kiểm tra, kết luận rõ và xử lý kỷ luật nghiêm minh, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh lớn. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982 đảng viên, có 4.307 cấp ủy viên các cấp (tăng 18,1% tổ chức đảng và 15,7% đảng viên so với năm 2020). Qua kiểm tra, kết luận có 1.575 tổ chức đảng và 6.695 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên… 
 
    Có thể nói trong năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương, quyết liệt kiểm tra, kết luận rõ nhiều vụ việc khó, phức tạp trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dự án đầu tư, quản lý xăng dầu, mua sắm vật tư quốc phòng; phòng chống buôn lậu...; qua đó, xem xét, kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân vi phạm và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật những đảng viên và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức, nghỉ hưu; làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, góp phần răn đe, cảnh tỉnh, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Nhìn chung, quá trình xem xét, xử lý các vụ việc, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”. Cho đến nay, các vụ việc đã xử lý kỷ luật, thì khiếu nại về mức kỷ luật chiếm tỷ lệ rất thấp. Nhiều địa phương, đơn vị sau kiểm tra đã quyết tâm khắc phục vi phạm, các phong trào của địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến, mang lại kết quả rõ rệt. Thường trực Ban Bí thư đánh giá đây là tín hiệu rất đáng mừng, đúng với phương châm của công tác kiểm tra, giám sát là để “chữa lành vết thương” và “trị bệnh, cứu người”.
 
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, để nâng cao bản lĩnh, uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước, Đảng ta phải tiếp tục đẩy mạnh và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên mức độ cao hơn, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng gắn liền với chống tiêu cực; ngăn chặn, đầy lùi gắn liền với kiên quyết xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong quá trình này, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có vị trí, vai trò rất quan trọng và phải được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa. 
 
    Nhấn mạnh thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp phải tiếp tục nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng; một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đồng chí yêu cầu: Mỗi tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, mỗi đảng viên dù giữ chức vụ lãnh đạo cao hay thấp đều phải khép mình vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Kỷ luật, kỷ cương của Đảng là sức mạnh, là một trong những yếu tố quyết định, bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội.
 
    Đồng chí yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ. Thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm. Tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những nơi mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; những nơi có nhiều vụ, việc khiếu kiện, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
                                                                                    Quỳnh Trang
.