Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự(*)

Thứ Hai, 10/01/2022, 10:33 [GMT+7]
    Trong các giai đoạn tố tụng, thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự có thể xem là trọng tâm của hoạt động công tố, góp phần cùng với Tòa án ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực tiễn cho thấy, hoạt động này vẫn còn nhiều vướng mắc cả về phương diện lý luận và thực tiễn, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự nói chung và giai đoạn xét xử vụ án hình sự nói riêng, từ đó, cần thiết phải được sửa đổi, hoàn thiện.
 
    1. Thực tiễn thi hành quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự.
 
    Qua nghiên cứu báo cáo kết quả công tác của ngành kiểm sát trong những năm qua cho thấy, công tác thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Quán triệt các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, Viện kiểm sát đã chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp đưa ra xét xử sơ thẩm kịp thời các vụ án hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tỷ lệ án cải, hủy, sửa giảm, chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm bảo đảm, Kiểm sát viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần cùng Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự thể hiện ở những kết quả như: Số lượng vụ án Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát đề điều tra bổ sung có xu hướng giảm; số lượng vụ án đã xét xử mà Tòa án có cùng quan điểm với Viện kiểm sát về tội danh, hình phạt ngày càng tăng; hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa ngày càng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; chất lượng kháng nghị phúc thẩm tăng lên đáng kể. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian gần đây, việc nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát còn được thực hiện thông qua công tác phát hiện vi phạm, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo để bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hiệu quả trong công tác thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát góp phần quan trọng vào việc xét xử của Tòa án, giúp Tòa án ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc bảo đảm cho các vụ án được xét xử tốt ngay từ đầu khiến cho bản án sơ thẩm sớm được phát huy hiệu lực pháp luật, góp phần làm giảm nhẹ hoạt động tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự cũng còn bộc lộ một số bất cập nhất định. Thực tế cho thấy, nhận thức của Kiểm sát viên về vai trò, trách nhiệm thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự chủ yếu tập trung tại phiên tòa, mà chưa thực sự xác định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của mình ở thời điểm trước khi mở phiên tòa để chủ động nghiên cứu hồ sơ, kịp thời đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết những vấn đề phát sinh trước khi mở phiên tòa xét xử. Do đó, có trường hợp khi ra phiên tòa rơi vào thế bị động, dẫn đến việc bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc phải hoãn phiên tòa, tốn kém thời gian và chi phí tố tụng. Mặt khác, khi đã chuyển hồ sơ truy tố sang cho Tòa án, Kiểm sát viên thường chỉ chú tâm đến việc chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tại phiên tòa nên hầu hết các thẩm quyền mà luật quy định cho Viện kiểm sát ở thời điểm trước khi mở phiên tòa không được Kiểm sát viên vận dụng triệt để trên thực tiễn thi hành.
 
    Cụ thể, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định việc Viện kiểm sát có thể chủ động đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có căn cứ theo quy định, nhưng theo quy chế của ngành thì việc “bị” Tòa án ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hay chủ động đề nghị Tòa án ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho Kiểm sát viên vì các trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung đều là căn cứ tính chỉ tiêu thi đua của ngành. Vì vậy, Kiểm sát viên thường không tích cực, chủ động trong việc chủ động đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thực tiễn.
 
    Đối với việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đến trước ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm mà Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể thẩm quyền đình chỉ vụ án thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay là Hội đồng xét xử? Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC, ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, dẫn đến bất cập trong thực tiễn.
 
    Thực tiễn cho thấy, hầu hết các Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa đều chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa, hỏi có trọng tâm, trọng điểm để làm rõ hơn các căn cứ, cơ sở theo quan điểm truy tố đã nêu trong cáo trạng. Tuy nhiên, quy định về thứ tự xét hỏi như trong BLTTHS năm 2015 đã phần nào hạn chế vai trò của Kiểm sát viên trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa. Hội đồng xét xử là người hỏi trước, Kiểm sát viên là người hỏi sau nên phần lớn những câu hỏi trọng tâm để làm rõ các tình tiết của vụ án đã được Hội đồng xét xử hỏi trước, đến lượt mình Kiểm sát viên thường lặp lại câu hỏi của Hội đồng xét xử.
 
    Hơn nữa, Kiểm sát viên thường đặt câu hỏi để làm rõ các nội dung buộc tội mà chưa chú ý đến việc xác định các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Qua nghiên cứu các bản tổng hợp ý kiến về phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc, phần lớn ý kiến đóng góp từ các đơn vị địa phương gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều phản ánh việc Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa thường đặt câu hỏi trùng lặp với Hội đồng xét xử, đặt nhiều câu hỏi buộc tội, thiếu câu hỏi gỡ tội. Thực tế cho thấy, ngay cả khi Kiểm sát viên đặt câu hỏi cũng còn phụ thuộc vào đề cương xét hỏi mà chưa có sự linh hoạt, chủ động để làm rõ các tình tiết tại phiên tòa.
 
    Mặt khác, việc tranh luận tại phiên tòa xét xử hình sự của Kiểm sát viên còn nhiều trường hợp có tính hình thức. Một phần nguyên nhân của thực tế này là do tỷ lệ vụ án có người bào chữa tham gia tố tụng trong các phiên tòa xét xử thấp, đặc biệt là ở cấp sơ thẩm tại Tòa án quận, huyện. Kết quả khảo sát 200 bản án sơ thẩm ở Tòa án cấp quận, huyện và Tòa án cấp tỉnh, thành phố trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021(1) cho thấy: Số vụ án có người bào chữa tham gia chỉ chiếm 43,5% (87/200), trong đó chủ yếu là các vụ án xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh, thành phố.
 
    Kết quả khảo sát còn cho thấy, phần lớn người bào chữa tham gia tranh tụng tại phiên tòa thường không tranh luận về tội danh và hình phạt với Viện kiểm sát mà chủ yếu tập trung đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong số 87 vụ án có người bào chữa tham gia, chỉ có 04 vụ án người bào chữa không nhất trí với quan điểm về tội danh, hình phạt mà Viện kiểm sát truy tố và đề nghị Viện kiểm sát lập luận, tranh luận về tội danh, hình phạt. Điều này phần nào không tạo ra cơ hội cho Kiểm sát viên thực hiện việc lập luận, đối đáp và là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tâm lý ngại tranh luận, né tránh các vụ án có người bào chữa tham gia ở một bộ phận không nhỏ Kiểm sát viên, đặc biệt là đối với Kiểm sát viên cấp quận, huyện. Thủ tục tranh luận không mang tính chất đối kháng do chỉ có mình Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, bị cáo khi được đề nghị trình bày lời bào chữa thì phần lớn là nhận tội, hầu như rất ít bị cáo có khả năng hiểu biết pháp luật và năng lực để “đối đáp” lại quan điểm buộc tội của Kiểm sát viên. Chính vì thế, trong những vụ án như thế này, Kiểm sát viên thường rất “nhàn” và không có điều kiện cọ xát để nâng cao năng lực tranh luận, đối đáp của bản thân.
 
    2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành cũng như thực tiễn thi hành quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế, cụ thể là:
 
    Một là, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án trong giai đoạn xét xử chưa đúng với bản chất của xét xử, biến Tòa án thành chủ thể không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn tham gia vào việc thực hiện chức năng buộc tội của Viện kiểm sát. Cụ thể:
 
    - BLTTHS năm 2015 quy định tất cả các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều có trách nhiệm khởi tố vụ án, trong đó bao gồm cả Tòa án là không phù hợp với địa vị pháp lý và chức năng trong tố tụng của Tòa án, chồng chéo với chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Khi được giao chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát có những quyền năng pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội và đây là chức năng đặc thù, không phải chủ thể nào cũng có. Trong khi đó, chức năng đặc thù của Tòa án là xét xử, là chủ thể ra phán quyết về việc có tội hay không có tội dựa trên quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát và quá trình xác định sự thật vụ án tại phiên tòa. Việc quy định cho Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự làm cho Tòa án cùng một lúc đóng hai vai, vừa đóng vai trò của cơ quan công tố, vừa là chủ thể xét xử. Hơn nữa, quyết định khởi tố vụ án là quyết định không liên quan đến nội dung vụ án đang xét xử, bởi quyết định này không phải là một nội dung của bản án mà Hội đồng xét xử có thể ra tại phiên tòa. Vì vậy, nếu Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án cũng có nghĩa là Tòa án đang “lấn sân” sang chức năng công tố của Viện kiểm sát và ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án.
 
    - Quy định về giới hạn xét xử tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 cho phép Tòa án xét xử theo tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố một mặt thể hiện tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án nhưng mặt khác lại ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Về nguyên tắc, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử, nhưng Tòa án cũng có thể xét xử theo tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, hoặc xét xử theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật. Quy định về giới hạn xét xử này đã được ghi nhận ngay từ BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 tiếp tục kế thừa.
 
    Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm quy định về việc: Nếu có căn cứ để xét xử bị cáo theo tội khác nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Như vậy, nếu Tòa án xét xử theo tội danh khác nặng hơn, trong khi Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì liệu rằng việc xét xử của Tòa án có đang vượt qua giới hạn truy tố của Viện kiểm sát hay không?
    
    Mặt khác, mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định cho phép Tòa án được xét xử theo tội nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc buộc tội lại không được kết luận theo khoản khác nặng hơn khoản đã truy tố, không được kết luận theo tội khác nặng hơn tội đã truy tố, dù kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa có thể làm thay đổi nhận thức về hành vi phạm tội so với thời điểm truy tố. Điều này rõ ràng đã làm mất đi tính khách quan trong hoạt động chứng minh của Viện kiểm sát, khiến thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát bị phụ thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cũng như hoạt động xét xử của Tòa án.
 
    - Điều 325 BLTTHS năm 2015 quy định khi Kiểm sát viên quyết định rút toàn bộ quyết định truy tố Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Quy định này thể hiện sự mâu thuẫn giữa chức năng xét xử của Tòa án và chức năng công tố của Viện kiểm sát. “Khi Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát rút quyết định truy tố nghĩa là căn cứ của việc xét xử không có thì không còn lý do gì để Tòa án xét xử vụ án nữa, nếu Tòa án vẫn tiếp tục xét xử khi Kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố thì vô hình chung Tòa án đã thực hiện cả hai chức năng truy tố và xét xử”(2). Vì vậy, để bảo đảm thực hiện một trong những nguyên tắc lớn nhất của tố tụng hình sự là nguyên tắc không làm oan người vô tội, bảo đảm phân định rõ các chức năng tố tụng thì cần phải thừa nhận thẩm quyền của Kiểm sát viên trong việc rút quyết định truy tố tại phiên tòa nhưng nếu Kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố thì Tòa án không còn cơ sở để tiếp tục xét xử nữa.
 
    Hai là, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự cũng chưa có sự phân định rõ ràng:
 
    - Quy định về nguyên tắc trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự tại Điều 20 BLTTHS năm 2015 chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định trong Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng nguyên tắc tại Điều 20 BLTTHS năm 2015 lại quy định Viện kiểm sát có “Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự”. Hơn nữa, nội dung nguyên tắc cũng không phân định rõ hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp để làm cơ sở cho việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong các giai đoạn tố tụng hình sự.
 
    - Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên tại các Điều 41, 42 BLTTHS năm 2015 cũng không xác định rõ khi nào thì những người này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn để thực hành quyền công tố và khi nào thì thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát hoạt động tư pháp. Người tiến hành tố tụng tại Viện kiểm sát bao gồm Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Đây là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc chức năng của Viện kiểm sát, tuy nhiên, thực tế là ngay chính bản thân các Kiểm sát viên là những người trực tiếp tiến hành tố tụng cũng “khó lòng phân biệt lúc nào thì họ đang thực hiện vai trò công tố, lúc nào đang làm nhiệm vụ kiểm sát”(3).
 
    Ba là, quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự chưa thực sự bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tranh tụng và chưa thực sự phát huy được vai trò chủ động của Kiểm sát viên trong việc làm rõ các quan điểm buộc tội tại phiên tòa. Ngay từ khi ban hành các chủ trương, chính sách về cải cách tư pháp, Đảng đã xác định vai trò của Viện kiểm sát phải là chủ thể có trách nhiệm chính và chủ yếu trong việc chứng minh các tình tiết của vụ án hình sự tại phiên tòa. Công văn số 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ngày 05/12/2002 đã xác định: “Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phải bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát bằng việc chủ động xét hỏi, thẩm vấn, đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết từng sự việc của vụ án”. Tuy nhiên, Điều 307 BLTTHS năm 2015 quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa đã nêu rõ Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người điều hành việc xét hỏi và là người hỏi trước, hỏi chính rồi sau đó quyết định để Hội thẩm, Kiểm sát viên hoặc người tham gia tố tụng khác xét hỏi. Quy định về thứ tự xét hỏi này đã dẫn đến việc Thẩm phán làm thay việc của Kiểm sát viên, không thể hiện đúng tinh thần của hoạt động tranh tụng. Thẩm phán là người điều hành xét hỏi là đúng, nhưng nếu Thẩm phán là người hỏi trước, hỏi chính thì vô hình trung đã làm thay nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong việc làm rõ chứng cứ buộc tội tại phiên tòa và làm mất đi vị trí là người trọng tài trung lập.
 
    Mặt khác, BLTTHS năm 2015 quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người điều hành việc xét hỏi và là người hỏi trước nên dù trong tình huống nào thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng luôn phải thực hiện việc xét hỏi, nhưng lại không có điều luật nào quy định buộc Kiểm sát viên phải có trách nhiệm xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Điều này dẫn đến việc Kiểm sát viên xét hỏi ai và hỏi như thế nào là lựa chọn của Kiểm sát viên, có khi Kiểm sát viên chỉ lặp lại những gì đã được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét hỏi.
 
    “Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp: (a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; (c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử...”.
    Khoản 3, 4, Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

 

    3. Để hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trên thực tiễn, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau:
 
    Một là, hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 theo hướng xác định rõ chức năng xét xử của Tòa án và chức năng buộc tội của Viện kiểm sát trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số quy định sau: 
 
    - Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án quy định tại Điều 18 và Điều 153 BLTTHS năm 2015. Nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử kiến nghị để Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm thống nhất trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát với chức năng xét xử của Tòa án, bảo đảm giới hạn xét xử của Tòa án.
    
    - Sửa đổi quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 về giới hạn xét xử theo hướng chỉ quy định về việc Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử; loại bỏ quy định về việc Tòa án được xét xử theo tội nặng hơn, nhẹ hơn để bảo đảm tính độc lập trong xét xử của Tòa án.
 
    - Sửa đổi quy định tại Điều 325 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án thay vì vẫn tiếp tục xét xử như hiện nay. 
 
    Hai là, hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 theo hướng xác định rõ chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định sau:
 
    - Sửa đổi tên gọi quy định tại Điều 20 BLTTHS năm 2015 là “Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự”, đồng thời, sửa đổi nội dung tại Điều 20 theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm thực hành quyền công tố (tại Khoản 1) và trách nhiệm kiểm sát hoạt động tư pháp (tại Khoản 2) của Điều 20.
 
    - Sửa đổi quy định tại Điều 41 và Điều 42 BLTTHS năm 2015 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và khi kiểm sát hoạt động tư pháp; xác định rõ chức danh tư pháp thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là Kiểm sát viên chứ không phải Viện trưởng Viện kiểm sát.
    
    Ba là, hoàn thiện quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, thể hiện rõ vai trò thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trên cơ sở các kiến nghị sau:
 
    - Sửa đổi quy định tại Điều 307 BLTTHS năm 2015 về trình tự xét hỏi theo hướng quy định rõ chủ tọa phiên tòa điều khiển việc xét hỏi và khi xét hỏi từng người thì Chủ tọa phiên tòa chỉ định Kiểm sát viên hỏi trước.
 
    - Nghiên cứu sửa đổi quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa theo hướng thực hiện xét hỏi song hành cùng tranh luận, không tách rời hai thủ tục xét hỏi và tranh luận như quy định hiện hành. Khi thực hiện xét hỏi song hành cùng tranh tụng, cả người được hỏi và người bị hỏi đều được hỏi và đáp để kiểm tra và đánh giá được các chứng cứ, tài liệu ngay lập tức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm thực hiện tranh tụng một cách tốt nhất tại phiên tòa.
 
    (*) Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự Việt Nam” tại trường Đại học Luật Hà Nội năm 2021.
    (1) Xem tại trang web: https://congbobanan.toaan.gov.vn/
    (2) Nguyễn Văn Tuân: Một số vấn đề về luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Tư pháp, H.2015, tr.216.
    (3) Trần Đình Nhã (2014): Công tố và thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (21), tr.32.
TS. Trần Thị Liên
(Đại học Luật Hà Nội)

 

.