10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành Tư pháp

Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:52 [GMT+7]
    Bộ trưởng Tư pháp vừa công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành Tư pháp. Các sự kiện đã đánh giá một cách toàn diện những kết quả nổi bật của hoạt động tư pháp trong năm qua.
 
    1. Ngành Tư pháp đóng góp kịp thời và tích cực trong triển khai, thể chế hóa các nội dung chính sách về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
 
    Bộ, ngành Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt để triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp tích cực trong đề xuất các nội dung để các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, chủ động trong xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
 
Hội thảo khoa học cấp quốc gia
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng"
    2. Bộ, ngành Tư pháp tham mưu tích cực cho Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp về các vấn đề pháp lý để thực hiện “mục tiêu kép”: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội
 
    Thực hiện trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống Covid-19 như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…
 
    3. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế
Nhằm đánh giá thực trạng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác này trong thời gian tới, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Kết quả của Hội nghị và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm thể chế, pháp luật phải thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao khả năng “đề kháng” của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội trước đại dịch Covid-19, tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
    4. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”
 
    Để góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” vào ngày 29 tháng 11 năm 2021. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao.
 
    5. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 của Việt Nam tăng 6 bậc
 
    Thời gian qua, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các Sở Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.
 
    6. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
 
    Trước yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản, ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 07 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm…Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18 – KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 triển khai Chỉ thị 04-CT/TW trong Bộ, ngành Tư pháp, trong đó xác định rõ 08 nhóm nhiệm vụ với 33 nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.
 
    7. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức
 
    Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã phối hợp cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến với tên gọi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
 
    8. Hoàn thiện các cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp địa phương
 
    Ngày 8/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 2069/QĐ-TTg và Quyết định số 2070/QĐ-TTg về Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức ngành để các địa phương kịp thời tiến hành sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp trong giai đoạn mới
    
9. Hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19
 
    Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Năm 2021, hoạt động hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả nổi bật như: Ký kết được 5 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức các nước của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) lần thứ 11, Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, Hội nghị thường niên năm 2021 của IDLO…
 
    10. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi trong bối cảnh đại dịch Covid-19
 
    Ngày 23/10/ 2021, Lễ giao nhận 92 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi của 8 nước châu Âu đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tập trung, an toàn và thành công tại thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hoạt động này nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như tạo dấu ấn sâu sắc trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam với Châu Âu, thể hiện gốc rễ nhân đạo. 
P.V
.