Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp 14 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Thứ Bảy, 18/12/2021, 22:41 [GMT+7]
    Ngày 18/12/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 14, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem xét, cho ý kiến về Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật” do Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình; đánh giá tình hình, kết quả công tác năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và thông qua Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. 
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật”, đây là Đề án được hoàn thiện theo Chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 12. Đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật thông qua tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về hành nghề luật, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngành luật cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. 
 
    Về kết quả công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng và các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, nhất là tập trung chỉ đạo quán triệt và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và hoàn thành một số đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là tập trung triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật về tư pháp và cải cách tư pháp; tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng tinh gọn, đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động tư pháp; chú trọng việc bảo đảm cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp; thực hiện linh hoạt, có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp
    Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đề án “ Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật ” có ý nghĩa lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến, tiếp tục bổ sung Đề án, trong đó cần đưa ra được các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo luật trong cả hệ thống các cơ sở đào tạo lĩnh vực này mà trước hết là tập trung cho hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước chỉ đạo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.  
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp
    Đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác cải cách tư pháp đã đóng góp quan trọng vào tổng thể các chương trình, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp; đẩy mạnh xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
 
    Về nhiệm vụ năm 2022, ngoài nội dung Ban Chỉ đạo đề xuất, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng, nhất là tiếp tục hoàn thành dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
                                                                                          Thu Huyền
.