Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bộ luật lao động (sửa đổi)
Thứ Ba, 04/06/2019, 12:39 [GMT+7]
Ngày 3-6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì hội nghị. Các đại diện đến từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Luật Hà Nội... tham dự Hội nghị.
Qua tổng kết 05 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật lao động về một số nội dung như hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam... chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp... Vì vậy, Bộ luật lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trên thực tế và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phản biện một số nội dung: Vấn đề hợp đồng lao động; vấn đề giới; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; tiền lương; giải quyết tranh chấp lao động; quy định tổ chức đại diện của người lao động ở cơ sở; kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
Về vấn đề giới, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tổ chức đại diện cho người lao động nữ, quy định tỷ lệ lao động nam và nữ trong biểu quyết các thỏa ước lao động tập thể; bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp, xử lý đối với các trường hợp quấy rối lao động nữ trong quá trình làm việc; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật đối với lao động nữ khu vực phi chính thức; cân nhắc việc mở rộng khung làm việc tối đa đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ làm việc trong ngành dệt may, quy định các giải pháp nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe, tái tạo sức lao động, tránh sự lạm dụng của người sử dụng lao động đối với người lao động nói chung và người lao động nữ nói riêng...
Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Bộ luật lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) theo hướng bỏ giới hạn trần làm thêm giờ theo tháng và trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được giờ làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm. Một số ý kiến cho rằng, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của doanh nghiệp, sức khỏe của người lao động Việt Nam, tránh việc lợi dụng để sử dụng lao động giá rẻ, chậm đổi mới máy móc, kỹ thuật. Tăng thời gian làm thêm thì phải tăng lợi ích cho người lao động, thể hiện trong việc chi trả lũy tiến thu nhập cho người lao động nếu kéo dài thời gian làm thêm. Mặt khác, để tránh tình trạng vắt sức người lao động làm thêm giờ liên tục, đề nghị giới hạn trần giờ làm thêm theo tháng, đồng thời giảm thời gian làm việc bình thường từ 48h xuống 44h trong một tuần.
Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến tán thành với việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; riêng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... thì có thể nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi. Đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt, có thể nghỉ hưu muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)