Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân

Chủ Nhật, 02/09/2018, 03:50 [GMT+7]
    Nhân dịp kỷ niệm 73 năm đất nước ta giành độc lập, đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam có bài viết “Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân”. Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu bài viết: 
 
    2-9-2018, đất nước ta đã độc lập được 73 năm, ngày hoàn toàn thống nhất cũng đã hơn 43 năm. Trong thời gian đó, ngay tại châu lục chúng ta đang sống đã xuất hiện những "rồng, hổ", những "điều thần kỳ" châu Á. Ðã có những quốc gia từng đi đầu trong phát triển kinh tế rồi bỗng nhiên niềm hứng khởi vụt tắt. Nhưng cũng có những quốc gia mấy mươi năm trước xuất phát điểm giống ta, nay đã bước vào hàng ngũ các nước phát triển.
 
    Dẫu rằng mỗi quốc gia có những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau, song thực tiễn phát triển thành công và cả thất bại ở chính những quốc gia này để lại nhiều kinh nghiệm đáng được ý thức, suy ngẫm trong việc sử dụng quyền lực để phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
 
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
    Singapore và "vốn liếng" niềm tin
 
    Gần đây, tôi có đọc bộ Hồi ký Lý Quang Diệu, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2017. Ông Lý Quang Diệu là một chính trị gia xuất sắc, nhà lãnh đạo đã đưa đất nước Singapore "từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất".
 
    Trong cuốn sách có tựa đề Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu sớm nhận thấy nguồn lực mạnh mẽ khi bắt đầu sự nghiệp dẫn dắt quốc gia: "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin cậy của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng. Tôi cần sức mạnh chính trị này để tối đa hóa các tác dụng mà chúng tôi có thể tạo ra từ vốn liếng rất ít của mình".
 
    Việc đưa ra những chuẩn mực đạo đức, lên án mạnh mẽ và đề ra quyết tâm tiêu diệt tham nhũng thì dễ dàng, nhưng thực hiện được thì vô cùng khó khăn, trừ phi người lãnh đạo có đủ kiên quyết để đương đầu với kẻ phạm tội và không có bất cứ ngoại lệ nào.
 
    Trong suốt thời gian ông Lý Quang Diệu đảm trách cương vị cao nhất của quốc gia, có ít nhất hai Bộ trưởng Phát triển quốc gia, những người từng được coi là thân thiết của ông Lý Quang Diệu, Tan Kia Gan và Teh Cheang Wan đều bị điều tra vì liên quan đến tham nhũng. Hai bộ trưởng này hoặc là chối tội, hoặc muốn nhận được sự can thiệp nhưng ông Lý Quang Diệu đã từ chối. Teh Cheang Wan khi lựa chọn cái chết đã gửi lá thư vĩnh biệt đến Lý Quang Diệu, trong đó viết: "Là người phương Ðông trọng danh dự, tôi phải nhận lấy hình phạt cao nhất cho lỗi lầm của mình".
 
    Các chuyên gia nhận xét rằng, một trong những điều kiện để Singapore hạn chế tối đa nạn tham nhũng là có chế độ đãi ngộ phù hợp. Ðiều này đúng nhưng cần biết rằng, phải hơn 20 năm sau tính từ khi lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia, ông Lý Quang Diệu mới thực hiện được việc thay đổi chế độ lương bổng cho các công chức.
 
    Tham nhũng, lợi ích nhóm - những yếu tố phá hủy quốc gia
 
    Nhìn nhận về Indonesia thời kỳ cuối dưới sự cầm quyền của Tổng thống Suharto, ông Lý Quang Diệu nhận xét rằng đây là thời kỳ điển hình của nạn tham nhũng, vun vén cá nhân. Sách Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất viết: "Phương tiện truyền thông đại chúng Indonesia hình thành cụm từ "KKN", kết hợp những chữ cái đầu của Kolusi (sự thông đồng), Korupsi (tham nhũng) và Nepotism (gia đình). Con cái, bạn bè và những người thân cận của Tổng thống Suharto là những điển hình của KKN".
 
    Tháng 3 năm 1998, trong khi nền kinh tế quốc gia khủng hoảng trầm trọng, Suharto đã bổ nhiệm một nội các gồm hầu hết là con cái, bạn bè, thậm chí cả bạn chơi golf, vẫn trong cuốn hồi ký Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, Lý Quang Diệu gọi đây là "phán quyết sai lầm thảm hại nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta (Suharto)".
 
    Chính vì lợi ích của gia đình (con cái và thân thích của Suharto can dự quá nhiều vào các hợp đồng béo bở và độc quyền, khiến cho Suharto do dự trong các bước đi cải cách kinh tế, thậm chí còn thu vén cho gia đình trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Ðông - Nam Á 1997-1998. Ông Lý Quang Diệu thuật lại trong hồi ký lời một nhà báo Mỹ đưa tin trên tạp chí Forbes tháng 10-1998 tại New York rằng gia đình Suharto có tài sản trị giá 42 tỷ USD. Ông Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: "Tôi không hiểu vì sao các con của ông ta cần phải giàu đến thế. Giá chúng không quá đáng như vậy thì ông ta hẳn đã có một vị trí khác hẳn trong lịch sử Indonesia".
 
    Ngày 15-5-1998, khi Suharto trở về từ hội nghị ở Cairo (Ai Cập) thì mất chức tổng thống.
 
    Ðối với Philippines, vốn nhận được sự viện trợ hào phóng của Mỹ vào những năm 1950-1960, từng là quốc gia phát triển nhất ở Ðông - Nam Á lúc bấy giờ, ông Lý Quang Diệu cho rằng không có lý do gì khiến cho nước này không thể trở thành một quốc gia thành công hơn. Nhưng có cái gì đó khiến cho chất keo gắn kết xã hội đã mất đi. Ðó là khoảng cách giữa tầng lớp trên sống xa hoa và tiện nghi cực điểm với những người nông dân làm việc chỉ đủ ăn, sống một đời sống khắc khổ.
 
    Trong hồi ký Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu chỉ ra điều cản trở sự phát triển của Philippines: "Chỉ có ở Philippines thì mới có thể xem xét quốc tang cho một nhà lãnh đạo như Ferdinand Marcos - kẻ đã cướp bóc đất nước mình hơn 20 năm".
 
    Còn trong cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, nhà xuất bản Thế giới 2015 dẫn lại đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế: "Marcos là nhà cai trị vơ vét thành công thứ hai trong lịch sử, cướp khoảng 5-10 tỷ đôla Mỹ trong hai thập niên ở dinh tổng thống".
 
    Tổng thống Marcos và vợ là bà Imelda nổi tiếng xa hoa đã phải bỏ trốn khỏi Philippines trên trực thăng không lực Mỹ để đến Hawaii vào ngày 25-2-1986.
 
    Giai đoạn hoàng kim 1970-1990 của hai thành viên ASEAN kết thúc cùng với hành vi tham nhũng và vun vén gia đình của những người đứng đầu quốc gia.
 
    Tinh thần dân tộc, trường hợp Park Chung Hee
 
    Khi đọc cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, tôi chú ý một nội dung với tiêu đề: "Xem xét hai hình ảnh trái ngược: Hàn Quốc thời Park Chung Hee và Philippines thời Ferdinand Marcos".
 
    Cả hai người này đều sinh năm 1917, lớn lên vào thời kỳ đất nước nằm dưới chế độ thực dân, nổi lên làm lãnh đạo quốc gia vào những năm 1960; đất nước họ đều có gắn kết sâu sắc về lịch sử và kinh tế với Hoa Kỳ và Nhật Bản; cả hai nắm quyền đều dựa trên sự tập trung cao độ của quyền lực cá nhân.
 
    Dù có nhiều nét tương đồng, nhưng hai vị lãnh đạo này đã dẫn dắt quốc gia của mình đến những kết quả khác hẳn nhau.
 
    Park Chung Hee là người từng đưa quân tham chiến ở Việt Nam dưới danh nghĩa đồng minh quân sự của Hoa Kỳ và ông ta nợ nhân dân Việt Nam điều đó.
 
    Nhưng xét về khía cạnh quản trị quốc gia, các học giả có những đánh giá khác nhau, cho rằng Park Chung Hee là nhân vật cực kỳ phức tạp, cực đoan và đầy mâu thuẫn. Nhưng có một điểm mọi người đều đồng ý là suốt 18 năm làm tổng thống cho đến khi bị ám sát, ông chỉ sở hữu một gia tài khoảng 10.000 USD và cho đến nay, người ta không tìm ra được một tài sản có giá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn Quốc đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển.
 
    Trong giai đoạn mở đường và suốt trong quá trình điều hành quốc gia, tinh thần dân tộc được Park Chung Hee sử dụng như là yếu tố then chốt định hình chiến lược và thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa. Ngay sau khi nắm chính quyền, vào tháng 7 năm 1961, ông đã tuyên bố: "Xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra".
 
    Ðể phục vụ cho mục tiêu mà mình theo đuổi, ông Park thường xuyên thanh lọc những kẻ tham nhũng và không trung thành. Ông xây dựng một hệ thống chính trị mà ở đó yêu cầu rất nghiêm khắc về tính thống nhất và đức hy sinh.
 
    Tổng thống Park Chung Hee từng tuyên bố "mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu", cương quyết trừng trị tất thảy những ai để lãng phí hay thâm lạm.
 
    Người ta nói không sai rằng, cứ mỗi sáng mở mắt ra là Park Chung Hee nhắc đến công nghiệp hóa, và ngay cả buổi tối cũng vậy. Nhưng không phải Hàn Quốc dưới thời của ông ta lúc nào cũng đạt được thành tựu mà nhiều giai đoạn đã rơi vào tình trạng bế tắc trầm trọng, song Park Chung Hee đã dám lựa chọn những quyết định ngắn hạn đầy khó khăn. Và ông ta đã phải lao động cực kỳ vất vả để thực hiện được mục tiêu cuối cùng là sự thịnh vượng của Tổ quốc.
 
    Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta
 
    Chắt lọc những kinh nghiệm thành bại của bạn bè xung quanh, chiêm nghiệm những lẽ thịnh suy của đất nước, lại càng khẳng định sức mạnh niềm tin của nhân dân là cội nguồn để lãnh đạo đưa đất nước đi đến thịnh vượng.
 
    73 năm qua, cái giá phải trả của cả dân tộc để có cơ đồ ngày hôm nay là cực kỳ to lớn. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải đưa đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu", người dân tự hào khi bước ra gặp bạn bè thế giới.
 
    Ðất nước đã vượt qua ngưỡng quốc gia đói nghèo, nhưng phía trước mới thực sự là con đường nhiều thử thách. Việt Nam sẽ bứt phá đi lên, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hay an bài, tự thỏa mãn để rồi rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc, mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình"? Phải làm gì để Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, trường tồn cùng non sông đất nước? Ðó là câu hỏi từ trong tâm can thôi thúc những đảng viên chân chính phải trả lời bằng hành động.
 
    Cũng phải nhìn nhận rằng, có những lúc chúng ta đã phung phí thời gian và cơ hội, tai hại hơn là đã phung phí niềm tin. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là do sự thao túng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo suy thoái, hành động vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích Tổ quốc.
 
    Xương máu của các thế hệ cha ông, của bao đồng chí, đồng bào đã đổ xuống để cho Tổ quốc được độc lập, tự do. Không vì lẽ gì là đất nước có bề dày lịch sử oanh liệt, nhân dân thông minh cần cù chịu khó, Việt Nam lại chấp nhận tụt hậu, thua kém bè bạn chỉ vì không sửa chữa được những hư hỏng ngay trong bộ máy của chính chúng ta.
 
    Chính vì vậy, phải đặt sang một bên những do dự và ngại ngần, quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
 
    Ðiều đáng mừng là những gì Ðảng, Nhà nước đã làm được, kể từ Ðại hội XII trong việc thống nhất và tập trung làm trong sạch bộ máy, loại trừ tham nhũng, khắc phục yếu kém, khơi dậy tiềm năng và ý chí phát triển, đang dấy lên niềm hy vọng vào một cơ hội mới, bước đầu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Cần nắm chắc cơ hội này và tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
 
    Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai. Có được niềm tin của nhân dân thì không một trở lực nào có thể ngăn cản chúng ta xây dựng thành công đất nước giàu mạnh.
                                                                           (Nguồn: Báo Nhân Dân)
.