Bế mạc Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Năm, 23/09/2021, 14:24 [GMT+7]
    Ngày 22/9, tại Nhà Quốc hội Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên bế mạc.
 
    Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu trong việc đóng góp ý kiến vào các nội dung tại phiên họp. 
 
    Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 6 dự án Luật và nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền quy định của pháp luật. Cùng với Luật Thi đua khen thưởng được cho ý kiến vào phiên họp trước, sẽ có 7 dự án luật dự kiến trình kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 15.
 
Quang cảnh Phiên bế mạc
Quang cảnh Phiên bế mạc
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong việc chuẩn bị các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội nói chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng trong công tác xây dựng pháp luật.
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2021; kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tính đến 8/2021.
 
    Chủ tịch Quốc hội đánh giá, về cơ bản các báo cáo trình tại phiên họp có chất lượng tốt, thể hiện chuyển biến tích cực trong hoạt động được nêu cũng như những nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm và sự quyết liệt của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ… Các báo cáo, nhất là các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự các phiên họp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các báo cáo thẩm tra có cách tiếp cận mới, có nhiều nội dung đánh giá phong phú, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, đảm bảo khách quan, toàn diện và kỹ lưỡng.
 
    Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề thuộc nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, có 4 chuyên đề quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc từ rất sớm của lãnh đạo Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban, nhất là những cơ quan được phân công, cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng các đoàn có trách nhiệm hoàn thiện phê duyệt những kế hoạch này để tổ chức triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau khi triển khai nếu cần thiết sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để vừa triển khai, vừa đôn đốc thực hiện các chương trình giám sát. Kiểm toán Nhà nước tham gia giám sát. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội được huy động; HĐND các tỉnh, thành phố được hướng dẫn, chỉ đạo để cùng tổ chức giám sát.
 
    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, sau phiên họp, các cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện tập trung nâng cao chất lượng các dự án Luật, bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội. Đây là cơ sở để sau khi ban hành, các luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý về chính sách đột phá, với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Bám sát yêu cầu được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ đồng bộ, thống nhất công khai, minh bạch, ổn định có tuổi thọ cao, bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống.  
 
    Về việc chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ hai vào tháng 10 tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các công việc liên quan cần được chuẩn bị tốt nhất, nhất là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch, dự báo trước các tình huống có thể xảy ra nhằm xử lý kịp thời theo tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đại biểu Quốc hội, đội ngũ phục vụ có liên quan. Đề nghị Tổng thư ký Quốc hội hoàn thiện dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ hai; tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ tư, dự kiến đầu tháng 10 tới. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15 sẽ có chất lượng, kết quả tốt hơn kỳ họp thứ nhất theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: năm sau phải tốt hơn năm trước, kỳ họp sau phải tốt hơn kỳ họp trước. 
                                                                                                       P.V
.