Hà Nam: Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án

Thứ Năm, 25/07/2019, 12:11 [GMT+7]
    Ngày 6-5-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị đã đạt được một số kết quả quan trọng.
 
    Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc quán triệt, triển khai và thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đảm bảo trật tự an toàn xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án. Đồng thời tích cực, chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Một Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam
Một Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam
    Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, lực lượng quân đội tham mưu, tổ chức phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tập trung vào các địa bàn trọng điểm, củng cố, xây dựng, nhân rộng các phong trào và các mô hình hoạt động hiệu quả như: “3 quản, 3 biết”, “Ba giảm, bốn giữ”,  “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu giữ gìn an ninh, trật tự”...
 
    Các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ việc xử lý vi phạm, tội phạm. Thường xuyên, tích cực tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm, tập trung ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm phức tạp, không để hình thành các băng nhóm phạm tội có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen’’, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm... Cơ quan điều tra đã thụ lý 3.455 vụ/5.743 bị can, trong đó: Khởi tố mới 3.121 vụ/5.220 bị can; kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 2.896 vụ/5.252 bị can. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đạt hiệu quả tích cực, truy tố đúng tội, đúng hạn đạt 100%, đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội và HĐNĐ tỉnh giao. 
 
    Chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tòa án hai cấp giải quyết xét xử sơ thẩm 2.889/2959 vụ với 5.303/5.429 bị cáo; phúc thẩm 582/586 vụ với 887/889 bị cáo. Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được Tòa án hai cấp khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, được Nhân dân đồng tình. 
 
    Công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, đã thi hành xong đạt 90% về việc, đạt 75,8% về tiền, giảm tỷ lệ việc tồn đọng. 
 
    Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, rà soát sau thanh tra... được tăng cường, chú trọng chất lượng, hiệu quả, nhất là việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Toàn ngành thanh tra đã tập trung thanh tra một số lĩnh vực như: Quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách, thực hiện các chính sách xã hội. Đã  thực hiện 1.489 cuộc thanh tra đối với 24.743 tổ chức, cá nhân.  
 
    Những kết quả trên đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo an toàn và nâng cao đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
 
    Qua sơ kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rút ra các bài học kinh nghiệm: 
 
    Thứ nhất, thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án.
 
    Thứ hai, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhất là ý thức chấp hành pháp luật.
 
    Thứ ba, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh vi phạm phát luật và tội phạm. 
 
    Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án.
 
    Thứ năm, thường xuyên sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án.
Phương Anh 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Nam)
.