Thái Bình: Ban hành Quy chế về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân
Thứ Năm, 16/05/2019, 15:05 [GMT+7]
Ngày 10-5-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình Ban hành Quy chế về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Quy chế gồm 3 Chương, 16 Điều. Theo đó, Quy chế quy định công dân đến làm thủ tục đăng ký tại phòng đón tiếp Trụ sở Tiếp công dân tỉnh. Trên cơ sở trình bày ý kiến của công dân, cán bộ tiếp dân thuộc Ban Tiếp công dân tỉnh xem xét, tiếp nhận thông tin, phân loại vụ việc, vào sổ đăng ký, hướng dẫn công dân lập phiếu đăng ký. Vào thứ 5 hằng tuần, Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc với Ban Tiếp công dân tỉnh để tổng hợp tình hình, nội dung công dân đăng ký đề nghị gặp Bí thư Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp tình hình, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy xem xét quyết định việc tiếp dân và thông báo lại cho công dân biết thực hiện.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy căn cứ vào nội dung đề nghị ghi trong phiếu đăng ký tiếp dân, lập chương trình, kế hoạch tiếp dân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan có liên quan báo cáo nội dung vụ việc bằng văn bản, trong đó nêu rõ nội dung, kết quả giải quyết (nếu có), những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý tiếp theo. Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo Bí thư Tỉnh ủy và đề xuất hướng xử lý, trả lời đối với từng trường hợp, vụ việc cụ thể.
Địa điểm tiếp dân là Trụ sở Tiếp công dân tỉnh tại số 360, phố Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình.
Nội quy tiếp dân thực hiện theo Nội quy tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh.
Ban Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị mọi điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho việc tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm cơ sở vật chất và an ninh, trật tự, an toàn cho các ngày tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy.
Lịch tiếp dân hằng năm được ban hành và niêm yết công khai từ đầu năm tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Việc tiếp dân được thực hiện ít nhất một tháng một ngày khi có nội dung công dân đăng ký gặp Bí thư Tỉnh ủy và tổ chức vào ngày 25 hằng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ, tết thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc liền kề tiếp theo).
Trong một số trường hợp, vụ việc cụ thể, nếu Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thì có thể bố trí tiếp dân với hai chức danh trong cùng một ngày và thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tùy từng vụ việc cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy quyết định việc tiếp dân đột xuất.
Trong một số trường hợp vì lý do công việc hoặc vì lý do khác mà Bí thư Tỉnh ủy không thể tiếp dân vào ngày 25 được thì chuyển sang ngày khác; việc hoãn tiếp dân và chuyển sang ngày khác được thông báo cho công dân biết trước ngày 25.
Thành phần tham gia tiếp dân cùng với Bí thư Tỉnh ủy: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban đảng thuộc Tỉnh ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ việc công dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tham gia tiếp dân cùng với Bí thư Tỉnh ủy. Tùy theo tính chất, nội dung vụ việc cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy quyết định thành phần dự tiếp dân với Bí thư Tỉnh ủy.
Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bí thư Tỉnh ủy thì tiếp nhận và giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu giao cho cơ quan có thẩm quyền tham mưu Bí thư Tỉnh ủy xử lý, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hoặc xử lý, giải quyết ngay đối với trường hợp có nội dung căn cứ, rõ ràng, cụ thể.
Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan của các cấp khác nhau thì thực hiện như sau: Trường hợp thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý thì tiếp nhận và giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu xử lý; chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết nội dung liên quan, thông báo kết quả giải quyết cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và báo cáo kết quả về Ban Nội chính Tỉnh ủy để tổng hợp báo cáo Bí thư Tỉnh ủy. Trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền xử lý, giải quyết thì hướng dẫn người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đề nghị giải quyết.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).
Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết về kết quả tiếp nhận để giải quyết và chỉ đạo giải quyết.
Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cung cấp thông tin về kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)