Hòa Bình: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị
Chủ Nhật, 19/05/2019, 06:05 [GMT+7]
Trong những năm qua kết quả triển khai thực hiện Chương trình, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh Hòa Bình đã thu được nhiều kết quả; nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao dân trí, ổn đinh chính trị, an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện địa phương, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện; giao Sở Tư pháp là cơ quan Thuờng trực của Hội đồng phối hợp Chương trình PBGDPL của tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình gắn với thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Hội đồng phối hợp PBGDPL phối hợp với các cơ quan triển khai phổ biến được nhiều Bộ luật, luật, Pháp lệnh, tổ chức hàng nghìn hội nghị PBGDPL, xuất bản hàng nghìn cuốn sách phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, cấp phát nhiều ấn phẩm tuyên truyền huớng dẫn về các thủ tục hành chính, xây dựng được tủ sách pháp luật tại 210 xã, phương, thị trấn, tổ chức hàng trăm phiên toà xét xử lưu động. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, trên cơ sở nhiệm vụ được giao đã triển khai được nhiều văn bản quan trọng với nhiều hình thức phổ biến phong phú cho Nhân dân như: Qua các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền; hội thảo; tọa đàm; nói chuyện chuyên đề; “Ngày Pháp luật”; các phương tiện thông tin đại chúng; Bản tin của các ngành, đoàn thể; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Chương trình PBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả, tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững chắc, nâng cao dân trí. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, khoa học, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đến được với nhiều người dân. Thông qua Chương trình, nhân dân đã hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 25-6-2014 về triển khai thực hiện Thông tư số 21/2014/TT-BTP, nhằm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 200 Báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện; gần 2000 tuyên truyền viên cấp xã làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thành lập Đoàn khảo sát việc tổ chức, triển khai thi hành Hiến pháp và tổ chức đi khảo sát tại huyện Mai Châu, Tân Lạc và huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến về Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật tiếp công dân; Luật phòng, chống khủng bố; Luật đưa nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội. Sở Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tuyên truyền, ký cam kết đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp xây lắp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, các chủ hàng, các đơn vị quản lý bến xe, các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành thực hiện quy định về xếp, dỡ hàng hóa, quy định về tải trọng phương tiện, quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và phổ biến các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Ngành Tư pháp đã duy trì việc xây dựng và phát hành định kỳ 2 tháng/số Bản tin Tư pháp, với số lượng phát hành là 570 cuốn/số được gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; 210 xã, phường, thị trấn và 186 điểm Bưu điện - Văn hóa xã trong tỉnh, đã xây dựng và phát hành được 06 số Bản tin Tư pháp trong đó có các chuyên san như: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chuyên san phòng, chống tội phạm, Chuyên san chào mừng Quốc khánh 2/9 và chào mừng 66 năm ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam… Bản tin Tư pháp đã đăng tin, bài, ảnh, những văn bản pháp luật mới của Trung ương, của tỉnh, những câu chuyện pháp lý. Ngoài ra, các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nông dân, Cục Thuế tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương… đã đăng tải các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương, phục vụ công tác tuyên truyền PBGDPL.
Triển khai thực hiện đồng bộ theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tư vấn pháp lý ngay tại trụ sở ngày càng mang lại hiệu quả gắn liền với đẩy mạnh công tác TGPL lưu động, phối kết hợp với công tác PBGDPL ở cơ sở đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít có cơ hội tiếp xúc với các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn về nghiệp vụ TGPL, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được củng cố, kiện toàn.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức các đợt tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức trong ngành. Thông qua công tác kiểm sát xét sử hình sự, dân sự…tại phiên tòa, các văn bản luận tội, kết luận dân sự của Viện kiểm sát đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tổ chức, cá nhân.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, chỉ đạo các đơn vị trường học vào đầu khóa học, học sinh các trường phổ thông tham gia “Tuần sinh hoạt giáo dục công dân” do nhà trường tổ chức, để tuyên truyền pháp luật liên qua trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh. Thực hiện tốt các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên; lồng ghép, tích cực nội dung phổ biến pháp luật vào việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, phong trào xây dựng trường học xanh, sạch đẹp trong nhà trường… Kiện toàn Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của ngành Giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, công tác PBGDPL của Hòa Bình tập trung vào tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL; tăng cường đảm bảo kinh phí và nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động rộng rãi mạng viễn thông, mạng xã hội tham gia phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, Tủ sách pháp luật; gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua hình thức đối thoại trực tuyến, các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp khác; nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan tư pháp các cấp trong công tác PBGDPL ở cơ sở. Tuyên truyền pháp luật gắn với thực hiện các chương trình, đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; tuyên truyền pháp luật về nông dân, nông thôn, miền núi gắn với nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh, gia đình văn hóa; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể nói, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển biến, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai đa dạng, linh hoạt; khai thác có hiệu quả sự tham gia của các lực lượng nòng cốt ở cơ sở vào công tác tuyên truyền. Góp phần từng bước nâng cao dân trí pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Là tỉnh miền núi mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng UBND các cấp đã đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Đoàn Cần
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình)