Nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm kiểm soát quản lý tài chính, tài sản công

Thứ Hai, 05/10/2020, 15:33 [GMT+7]
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030); trong đó xác định 3 trụ cột phát triển và 7 nội dung chính, tập trung ở khuôn khổ pháp lý, hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán, hội nhập, hợp tác quốc tế và công nghệ thông tin, công nghệ cao. 
 
    Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong việc quản lý, điều hành, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
 
Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030
Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030
    Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng mới; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, những quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nói chung và quá trình hiện đại hóa ngành kiểm toán, chuyển đổi số ở Kiểm toán Nhà nước nói riêng; thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước và nhận thức của xã hội.
 
    Chiến lược yêu cầu hoàn thiện môi trường làm việc điện tử của Kiểm toán Nhà nước theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; cung cấp khả năng chỉ đạo điều hành và tra cứu thông tin trên thiết bị di động, ứng dụng văn phòng không giấy tờ; xây dựng hạ tầng dữ liệu, hệ thống quản trị dữ liệu lớn tập trung, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan để thu thập, ứng dụng các công cụ phân tích, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển hoạt động kiểm toán trong môi trường số; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, tiêu biểu là công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, kết nối vạn vật trong hoạt động kiểm toán và chỉ đạo điều hành nội bộ; tăng cường sử dụng kết quả công nghệ viễn thám, kiểm định chất lượng, kiểm tra phần chìm, kết cấu chịu lực... khi thực hiện kiểm toán; tạo kênh giao tiếp đa chiều giữa Kiểm toán Nhà nước với các đơn vị được kiểm toán trên môi trường mạng; xây dựng Trung tâm dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước gắn kết với Hệ thống giám sát tài chính, tài sản quốc gia, đưa Kiểm toán Nhà nước trở thành công cụ quan trọng trong hoạch định kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để công khai minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.
 
    Một trong những nội dung trọng tâm được Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 (giai đoạn 2021-2030) đề ra là việc nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó tập trung nâng cao về năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán.
 
    Về năng lực kiểm toán, Chiến lược xác định: nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Chiến lược yêu cầu chuẩn hóa hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, trong đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, chú trọng đánh giá chất lượng đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán làm cơ sở luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá công chức; xây dựng quy định phân cấp về trách nhiệm của các cấp liên quan đến kết quả, kiến nghị kiểm toán; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, lựa chọn tiếp thu những phương pháp kiểm toán mới, tiên tiến, hiện đại, tăng cường thực hiện những cuộc kiểm toán liên quốc gia; triển khai đồng bộ các loại hình kiểm toán gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động kiểm toán.
                                                                                            Tiến Dũng
.