Hội thảo quốc tế về "Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án"
Thứ Tư, 17/04/2019, 14:27 [GMT+7]
Tòa án nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội thảo quốc tế về “Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. PGS. TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ án mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Trong khi đó, số lượng biên chế được phân bổ thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án. Trước tình hình đó, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Tòa án, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong thực hiện các nhiệm vụ công tác nói chung và việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hành chính nói riêng; trong đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là một trong những nội dung trọng tâm. Tòa án nhân dân tối cao đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại. Tuy vậy, kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội; tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các Tòa án tăng dần qua từng năm nhưng chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Quang cảnh Hội thảo |
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; và triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16, tỉnh thành phố.
Để khắc phục những hạn chế của công tác hòa giải, đối thoại hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội; phát huy những ưu điểm và khắc phục được hạn chế của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có, góp phần tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp. Trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019 và năm 2020.
Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo quốc tế “Về dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn các các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo luật bảo đảm các quy định của dự thảo Luật khả thi, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học giới thiệu về dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu và chuyên gia pháp lý, nhà khoa học đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Các ý kiến đã thể hiện nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, xây dựng cơ chế pháp lý mới, độc lập về hòa giải, đối thoại để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các tham luận, phát biểu cũng đánh giá cao các quy định của dự thảo Luật; đồng thời, chỉ ra những vấn đề còn chưa rõ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Thùy Linh