Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Thứ Sáu, 05/04/2019, 14:23 [GMT+7]

Ban Chỉ đạo thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân (TAND) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán TAND tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND; các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố; lãnh đạo các ban, ngành; Giám đốc, Phó Giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên của 10 trung tâm hòa giải, đối thoại của TAND hai cấp thành phố Hồ Chí Minh.

Thẩm phán TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại Hội nghị
Thẩm phán TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại Hội nghị

Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại đã đạt được kết quả nhất định, tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính. Tòa án đã nhận 8.774 đơn khởi kiện, chuyển 4.869 đơn về 10 trung  tâm, trong đó số đơn đủ điều kiện giải quyết là 3.660 vụ. Đã có 2.860,5 vụ được hòa giải, đối thoại, 2.219,5 vụ hòa giải, đối thoại thành, đạt tỷ lệ 77,59%. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành thì các vụ việc hôn nhân gia đình có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất, đạt 83,31%; các vụ việc về dân sự (40,67%), kinh doanh thương mại (34,62%), lao động (44,44%) và hành chính (26,92%). Nguyên nhân án hành chính thụ lý có số lượng ít là do thẩm quyền thay đổi nên lượng án hành chính chủ yếu tập trung ở Trung tâm hòa giải, đối thoại thành phố (tiếp nhận 124 đơn), nhưng các trung tâm ở quận/huyện chỉ tiếp nhận được duy nhất 1 vụ, có trung tâm tại quận Gò Vấp không tiếp nhận hồ sơ nào. Từ ngày các trung tâm đi vào hoạt động, công tác hòa giải, đối thoại đã đi vào hoạt định ổn định, góp phần giảm lượng án phải giải quyết cho ngành tòa án nói chung và các tòa án nơi diễn ra hoạt động thí điểm nói riêng.

Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động các trung tâm đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đó là vấn đề cấp lương, chi phí hoạt động cho các trung tâm, hòa giải viên, đối thoại viên, tổ giúp việc do đang trong giai đoạn thí điểm. Có nhiều trung tâm, lương của các cán bộ, nhân viên trung tâm còn bị nợ chưa được chi trả, như trung tâm hòa giải, đối thoại huyện Củ Chi đến nay chưa có lương của 3 tháng thí điểm thực hiện; công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả; người dân và một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của trung tâm; các hòa giải viên, đối thoại viên còn thiếu linh hoạt, sáng tạo, chủ yếu hòa giải diễn ra tại trung tâm, chưa có trường hợp nào hòa giải ngoài trụ sở tòa án hoặc hòa giải bằng hình thức khác; việc bố trí nhân sự cho các trung tâm chưa hợp lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thẩm phán TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương biểu dương những thành tích các trung tâm hòa giải, đối thoại của thành phố đã đạt được. Lợi ích thấy rõ nhất là các bên đương sự, cũng như tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật được giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính, góp phần to lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột, đoàn kết trong Nhân dân. Các trung tâm cần tiếp tục phát huy thế mạnh, trên cơ sở khắc phục các khó khăn, bất cập còn tồn tại để đề án thí điểm thật sự đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thành phố cần phải đánh giá năng lực, nhiệt huyết của các hòa giải viên, đối thoại viên để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời.

Tiến Dũng

.