Một số kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương

Thứ Bảy, 26/11/2022, 06:10 [GMT+7]
    Thời gian qua, công tác PCTN, TC tại địa phương được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng và có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm; dần khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Bài viết nêu một số kết quả và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy về PCTN, TC tại các địa phương.
 
    1. Một số kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương
 
    - Ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, các tỉnh ủy, thành ủy đã khẩn trương xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch,... để cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTN, TC tại địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, các tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng, ban hành hơn 9.500 văn bản để cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, nhất là nội dung về PCTN, TC theo Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố. Có địa phương xây dựng, ban hành Chương trình hành động về PCTN, TC và thành lập Ban Chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện(1). Qua đó, giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
 
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hải Phòng ra mắt
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hải Phòng ra mắt
    - Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là cho chủ trương, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên  khi có dấu hiệu vi phạm; kết luận rõ nhiều vi phạm, kỷ luật hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Từ năm 2017 đến năm 2021 cấp ủy, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy đã tiến hành hơn 6.100 cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý đối với gần 230 trường hợp tham nhũng hoặc có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành gần 12.400 cuộc thanh tra hành chính, tập trung vào các lĩnh vực, dự án có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí; qua thanh tra đã kiến nghị xử lý số tiền hơn 3.381.000 triệu đồng và hơn 43.920.000 m2 đất; kiến nghị xử lý 454 cá nhân có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực(2).
    
    Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương tập trung điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo: “Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có hành vi phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật”. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, các cơ quan tiến hành tố tụng của các địa phương đã khởi tố, điều tra 1.314 vụ án/2.948 bị can; truy tố 1.157 vụ án/2.856 bị can; xét xử sơ thẩm 1.128 vụ án/2.761 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong đó, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý đối với 700 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Điển hình như Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Đồng Nai, Tỉnh ủy An Giang, Tỉnh ủy Khánh Hòa,...); góp phần tạo sự đột phá trong đấu tranh PCTN, TC tại một số địa phương(3).
 
    - Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC. Với quan điểm phòng ngừa là cơ bản, lâu dài, nên các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện việc bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ngành của tỉnh, thành phố và lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương; tổ chức thi tuyển công khai một số chức danh lãnh đạo quản lý tại các sở, ngành.
 
    Trong giai đoạn từ năm 2017-2021 các địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 73.623 người; kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch đối với 31.215 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 344 đơn vị vi phạm; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đối với 543 trường hợp; bố trí 1.771 trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố không phải là người địa phương; việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 99%, các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập(4).
 
    Chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực (đưa nội dung PCTN, TC vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở, nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp); các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết biểu dương về những gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh PCTN, TC, phê phán, lên án mạnh mẽ những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác PCTN, TC.
 
    - Lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN, TC của địa phương. Các ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan chức năng PCTN, TC của địa phương, nhất là kiện toàn lãnh đạo các cơ quan chức năng sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020(5); chỉ đạo sắp xếp về tổ chức bộ máy, biên chế của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định mới của Ban Bí thư(6); chỉ đạo tăng cường biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; giúp cho các cơ quan PCTN, TC của các tỉnh, thành phố ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh PCTN, TC tại địa phương.
 
    Thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN, TC, nhất là chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra với cơ quan điều tra trong chuyển giao hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy cho chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đến nay, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy ký kết 805 quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ về nội chính, PCTN, TC; trong đó, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ký ban hành 405 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTN, TC; giúp cho quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN, TC của các địa phương ngày càng đồng bộ, nhịp nhàng, khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong PCTN, TC.
 
    - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ PCTN, TC. Các tỉnh ủy, thành ủy đã đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC vào Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm của tỉnh ủy, thành ủy và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; chỉ đạo ủy ban kiểm tra và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC theo chức năng được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Từ năm 2017 đến năm 2021, các tỉnh ủy, thành ủy đã tiến hành hơn 4.900 cuộc kiểm tra, giám sát về PCTN, TC; gần 250 cuộc kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tổ chức rà roát hơn 45.124 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, qua đó, phát hiện, kiến nghị, chỉ đạo khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, TC, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTN, TC(7)
 
    Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC có nhiệm vụ: "Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác PCTN, TC ở địa phương" Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư.
   
    - Thường xuyên tổ chức các hội nghị, cuộc họp về PCTN, TC; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC ở địa phương. Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các tỉnh ủy, thành ủy cũng quan tâm tổ chức các hội nghị để quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC; thường xuyên tổ chức các cuộc họp ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về PCTN, TC và cho chủ trương, đường lối chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021 các tỉnh ủy, thành ủy và ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức được hơn 6.100 hội nghị, cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về công tác PCTN, TC; giúp cho nhiều chủ trương, chính sách về PCTN, TC được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của các cơ quan Trung ương và của địa phương, hằng năm các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng và của tỉnh ủy, thành ủy, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC(8); qua sơ kết, tổng kết đã đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ PCTN, TC; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách giúp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN, TC còn một số tồn tại sau: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế(9); Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, TC có mặt còn hạn chế; Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN, TC chưa cao. Số lượng, quy mô, phạm vi giám sát chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế; trong một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chưa xác định rõ biện pháp và chế tài xử lý phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị có trường hợp còn chưa quyết liệt.
 
    2. Một số giải pháp nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương thời gian tới:
 
    Một là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
 
    Hai là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực; gắn đấu tranh PCTN với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị.
 
    Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện trách nhiệm trong PCTN, TC; tăng cường kiểm soát quyền lực, có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi can thiệp, tác động không đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN, TC; PCTN, TC ngay trong các cơ quan có chức năng PCTN, TC. 
 
    Bốn là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động dịch vụ hành chính công; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
 
    Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTN, TC; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra của Đảng với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử(10) và giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật về PCTN, TC; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC. 
    (1) Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Thành ủy thành phố Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”.
    (2) Theo Đề án “Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về
PCTN, TC”.
    (3) Tài liệu đã dẫn.
    (4) Tài liệu đã dẫn.
    (5) Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra Đảng, Nội chính, Công an, Kiểm sát, Tòa án đều được cơ cấu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố. Các đồng chí Trưởng Ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Giám đốc Công an tỉnh đều được cơ cấu tham gia ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
    (6) Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
    (7) Tài liệu đã dẫn.
    (8) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020;…
    (9) Tỷ lệ án tham nhũng/án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được xét xử từ năm 2013-2020 là 16,17% (1.899 vụ/11.740 vụ). Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về công tác PCTN (Báo cáo số 27-BCĐT/DLXH, ngày 26/10/2020), có 66% người được hỏi cho rằng số vụ tham nhũng đã bị phát hiện vừa qua chỉ là số ít so với số vụ tham nhũng xảy ra.
    (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, H.2021.

ThS. Trịnh Thăng Quyết
(Ban Nội chính Trung ương)

 

.