Nêu cao vai trò Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Thứ Năm, 03/11/2022, 13:53 [GMT+7]
    Giữa năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Ban Chỉ đạo là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, mang trọng trách nặng nề, nhưng đầy tin tưởng của xã hội, nhân dân.
 
    Tiên phong thành lập
 
    Theo quy định, về tổ chức bộ máy, Trưởng ban Chỉ đạo là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Các Phó ban, gồm: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; Trưởng ban Nội chính; Trưởng ban Tổ chức; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; Giám đốc Công an tỉnh. Các ủy viên, gồm: Trưởng ban Tuyên giáo; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy; Chánh án Tòa án nhân dân; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự; Giám đốc Sở Tư pháp; Chánh Thanh tra; Chủ tịch UBMTTQVN cấp tỉnh; Phó Trưởng ban Nội chính... Ban Nội chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
 
Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh An Giang
Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh An Giang
    Về phạm vi, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực. Trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.
 
    Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được kỳ vọng góp phần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
 
    Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thống nhất rất cao, khi “Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” được Ban Nội chính Trung ương xây dựng, 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập. An Giang là một trong 5 địa phương (cùng với TP. Hà Nội, tỉnh Thái Bình, Sóc Trăng, Khánh Hòa) tiên phong thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ban Chỉ đạo gồm 15 đồng chí. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang giữ vai trò Trưởng ban.
 
    Đề cao tinh thần trách nhiệm
 
    Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh vừa tổ chức họp phiên thứ nhất, để điểm lại các hoạt động liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước và sau khi quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; triển khai kế hoạch công tác từ nay đến cuối năm 2022, phân công nhiệm vụ từng thành viên; báo cáo tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo và một số nội dung khác. Tại phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới.
 
    Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các cơ quan nội chính, tư pháp và thành viên Ban Chỉ đạo trong tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án thuộc diện Trung ương và Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo thời gian qua.
 
    Tuy nhiên, rất nhiều nhiệm vụ cần phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị. Các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm trong thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trên tất cả lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...) để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
 
    Song song đó, cấp ủy Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 26-CT/TW, ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn 04-HD/TW, ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý vụ án, vụ việc (nhất là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo), đảm bảo đúng kế hoạch với phương châm “rõ đến đâu, xử lý đến đó”, “không vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che, dung túng tội phạm”.
 
    Trong đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, hoàn thành trong năm 2022. Từng cơ quan tố tụng định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Tiến hành thanh, kiểm tra địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có dấu hiệu vi phạm, sớm kết luận nhằm ổn định tình hình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
                                                                       Gia Khánh
                                                                    (Báo An Giang)
.