Nhận phong bì, quà tặng của dân, cán bộ, công chức bị phạt thế nào?

Thứ Năm, 23/05/2019, 11:40 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, pháp luật quy định xử phạt như thế nào khi cán bộ, công chức nhận phong bì, quà tặng của dân?
 
    Trả lời: 
 
    Khoản 1, 2, 3 Điều 3 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định các loại quà tặng bao gồm: (1) Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá. (2) Hiện vật, hàng hóa, tài sản. (3) Dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác... Theo đó, cán bộ, công chức bị cấm nhận phong bì, quà tặng trong các trường hợp sau: Người đưa phong bì có liên quan đến công việc của mình; Việc đưa phong bì không rõ mục đích; Việc đưa phong bì có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng. Như vậy, có thể thấy rằng, việc công chức nhận phong bì dù dưới hình thức nào, “vòi tiền”, nhận “lót tay” để giải quyết công việc hay nhận phong bì “cảm ơn” cũng đều bị nghiêm cấm.
 
    Căn cứ Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ, cán bộ, công chức nhận tiền, quà tặng của dân sẽ bị khiển trách nếu có vi phạm. Trong trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị cảnh cáo, hạ bậc lương; rất nghiêm trọng sẽ bị giáng chức hoặc cách chức; đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị buộc thôi việc theo các điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 của Nghị định này.
 
    Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, cán bộ, công chức có hành vi nhận phong bì, quà tặng của dân sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. 
 
    Căn cứ Điều 354 của Bộ luật hình sự năm 2015, 02 triệu đồng được coi là ranh giới để xử lý hình sự đối với người có hành vi tham nhũng. Theo Điều luật này, đây được xác định là tội nhận hối lộ, cụ thể là: (1) Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (b) Lợi ích phi vật chất. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Có tổ chức; (b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; (c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; (đ) Phạm tội 02 lần trở lên; (e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; (g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: (a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; (b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. (4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: (a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. (5) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. (6) Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Thanh An
.