Điểm báo tuần số 535 từ ngày 21/8 đến ngày 27/8 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 28/08/2023, 16:16 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (21/8) phản ánh, Sở Y tế Hải Phòng báo cáo về nhóm “Bông Hồng Đen” (nhóm cộng đồng) triển khai xét nghiệm HIV cho nhiều học sinh tại quận Đồ Sơn không thông qua phụ huynh, nhà trường, gây bức xúc dư luận. Việc hoạt động của nhóm đều không được báo cáo đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Nhóm này hoạt động theo hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) theo thỏa thuận hợp tác được ký vào ngày 30/12/2022. SCDI do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập từ năm 2010. Ở thời điểm hiện tại, SCDI đang triển khai Dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” của Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguồn vốn từ viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Theo báo cáo, Sở Y tế Hải Phòng khi làm việc với SCDI, đơn vị này không cung cấp được văn bản của UBND Hải Phòng về việc đồng ý tiếp nhận dự án triển khai tại địa bàn TP. SCDI cũng chưa cung cấp được kế hoạch, văn kiện và những tài liệu liên quan tại địa bàn. Lãnh đạo TP. Hải Phòng chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm trong sự việc này.
 
    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (22/8) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Vũ Ngọc Sửu, quê Lâm Đồng, ngụ tại Phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh 1 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo hồ sơ vụ án, Vũ Ngọc Sửu là đối tượng sử dụng facebook cá nhân đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam; xúc phạm, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 
 
    Theo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN và một số báo (23/8), Kỳ họp 24 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm điểm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với một số đảng viên có liên quan; chỉ đạo kiểm điểm theo quy định của Đảng và chuyển thông tin 2 gói thầu liên quan đến công ty AIC có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Các báo (22/8) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử bị cáo Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng 12 đồng phạm trong vụ án sai phạm đất đai liên quan Dự án khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa. Trong phiên xét xử này, bị cáo Hưng đã được chuyển tội danh “Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” sang tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. 12 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Theo cáo trạng, năm 2015, Trương Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái nhận chuyển nhượng khu đất 9ha tại phường Tam Phước số tiền hơn 35 tỷ đồng. Sau đó, Tuấn đã bàn với Nguyễn Văn Đức, lúc này là Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước, hợp thức hóa cho em ruột là Nguyễn Hữu Thành đứng tên chủ sở hữu khu đất trên để nhận tiền bồi thường khi giải tỏa làm Dự án khu dân cư Phước Thái. Các bị cáo đã hợp thức hóa các thủ tục để bồi thường cho chủ lô đất nói trên, gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền gần 79 tỷ đồng.
    
    Báo Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com (21-23/8) phản ánh, Liên quan vụ Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, CDC Bắc Giang tự thông đồng, hợp thức hồ sơ với Công ty Việt Á, Công ty Phan Anh, Công ty thẩm định giá, Công ty tư vấn đấu thầu trong quá trình thực hiện 11 gói thầu mua test xét nghiệm Covid. Công ty Việt Á trúng 1 gói thầu với giá trị 1 tỷ đồng, còn lại Công ty Phan Anh trúng 10 gói thầu với tổng giá trị 193 tỷ đồng. Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn đã nhận 2 sổ tiết kiệm tổng giá trị 5 tỷ đồng với lời nhắn của Phan Thị Khánh Vân, chị gái của Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh: “Công ty Việt Á gửi cảm ơn em” và “khi nào em cần rút thì gọi cho chị”. Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan Công ty Việt Á và CDC Hải Dương, Lâm Văn Tuấn đã trả lại Vân 2 sổ tiết kiệm nêu trên và thừa nhận hành vi của bản thân là sai, chưa bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu, vi phạm các điều cấm trong đấu thầu. Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (22/8) thông tin, Công an tỉnh Cà Mau đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 3 cán bộ trong ngành y tế Cà Mau về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Lê Ngọc Định, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính; Đặng Hải Đăng, nguyên Giám đốc CDC Cà Mau; Hồ Quang Nhu, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ CDC Cà Mau. Trước đó, cả 3 bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế và CDC Cà Mau. Vào đầu năm 2022, các đối tượng này đã nộp lại cho cơ quan chức năng số tiền đã nhận của Công ty Việt Á, trong đó, ông Đăng nộp lại khoảng 1 tỷ đồng. VietNamNet (23/8) cho biết thêm, kết thúc điều tra vụ Việt Á, Cơ quan điều tra đã công khai “danh sách đen” những bị can nhận tiền và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Theo đó, cơ quan Công an đủ căn cứ kết luận 38 bị can đã phạm vào các tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Cụ thể: 02 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. 06 bị can phạm tội “Nhận hối lộ”. 02 bị can phạm tội “Đưa hối lộ”. 02 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 21 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. 02 bị can phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 02 bị can phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Theo báo Đại đoàn kết, Baomoi.com (23/8), Vụ án Việt Á, theo cơ quan điều tra, trong quá trình kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương test xét nghiệm của Công ty Việt Á, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Các báo (25/8) đưa tin, sau một ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt Tôn Thất Thạnh, cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng 11 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Trưởng khoa Xét nghiệm 10 năm tù; Lê Thị Kim Chi, nhân viên Khoa Xét nghiệm 5 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản”. Tổng giá trị tài sản các bị cáo đã chiếm đoạt là hơn 5,2 tỷ đồng. Báo Người Lao động, Baomoi.com (26/8) có bài: “Nhận 200.000 USD từ Việt Á, vì sao cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh thoát tội nhận hối lộ?”. Theo đó, trong đại án Việt Á, các bị can bị cáo buộc nhận từ hàng chục ngàn đến vài triệu USD từ Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Tuy nhiên, trong vụ án, bị can Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bị can Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN, cũng bị cáo buộc về việc nhận tiền của Phan Quốc Việt nhưng không bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ. Phân tích lý do dù nhận 200.000 USD của Việt Á song cựu Bộ trưởng không bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra chứng minh được đến đâu thì sẽ kết luận và đề nghị viện kiểm sát truy tố đến đó. Nếu có việc nhận tiền giữa người có chức vụ, quyền hạn với cá nhân doanh nghiệp nhưng không chứng minh được có sự thỏa thuận công việc phải làm để được hưởng số tiền đó thì chưa đủ căn cứ để truy tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Theo Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (27/8) thông tin, Công an TP. Hồ Chí Minh ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, Công ty CP Công nghệ Việt Á và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng TM&DV Nam Phong. Theo đó, Công an đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện và bị can Phạm Vũ Phong, Giám đốc Công ty Nam Phong; bị can Trương Thị Bảo, nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện cùng với tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời, đề nghị truy tố bị can Mai Lệ Quyên, cựu Trưởng Khoa vi sinh, Bệnh viện TP. Thủ Đức về tội “Nhận hối lộ”. Công an xác định thiệt hại trong việc Bệnh viện này mua kit xét nghiệm từ Việt Á là 461 triệu đồng. Trong khi đó, thiệt hại trong vụ Bệnh viện TP. Thủ Đức mua kít xét nghiệm Việt Á từ Công ty Nam Phong là hơn 9.7 tỷ đồng. Báo Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com (27/8) tiếp tục thông tin, Cựu Giám đốc CDC Nghệ An được Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á chi “thưởng” 185 triệu đồng sau khi giúp thanh toán nhanh các gói thầu. Báo cho biết, trong vụ Công ty Việt Á, ngoài các lãnh đạo Bộ, ngành ở Trung ương sai phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm của nhiều cán bộ tại các địa phương như: Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Nghệ An trong quá trình mua bán, thanh toán test xét nghiệm. Theo đó, ông Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 16,5 tỷ đồng, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 
 
    Theo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (25/8), mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội “Nhận hối lộ”. Trần Anh Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu 1,2 tỷ đồng.
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, SGGP, VnExpress, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com và một số báo (25/8) đưa tin, truy tố cựu trưởng Phòng cảnh sát giao thông An Giang cấp sai quy định 5.056 biển số xe. Bị can Nguyễn Bá Quận, cựu trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh An Giang bị cáo buộc cấp sai quy định 5.056 biển số. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng truy tố, chuyển sang tòa cùng cấp đề nghị xét xử Nguyễn Bá Quận về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khi đã can thiệp vào hệ thống phần mềm cấp biển số xe ngẫu nhiên để tư lợi cá nhân. Cùng bị truy tố tội danh trên còn có Nguyễn Hữu Ân, cựu Phó đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ; Bùi Quốc Khánh, cựu Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ; Võ Chí Linh và Nguyễn Hoàng Em, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông. Cơ quan điều tra khởi tố thêm tội môi giới hối lộ, nhận hối lộ và đưa hối lộ do có chung chi từ 1-50 triệu đồng “bôi trơn” để được cấp biển số theo ý muốn. Vụ án này đang được tiếp tục điều tra.
 
    Báo Công an nhân dân, Chính phủ điện tử, Dân trí, VietNamNet, Người Lao động và một số báo (26/8) dẫn nguồn tin cho biết, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, đối tượng Mạc Đăng Thanh, trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang đã giả danh cán bộ thuộc một Tổng cục của Bộ Quốc phòng và Thanh tra Bộ Quốc phòng, rồi tự nhận là Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, giả danh là Phó Giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của một số công ty, cá nhân dưới hình thức: “Chạy xin việc”, “chạy dự án”, “chạy án”... Các đối tượng Nguyễn Thị Kim Thúy, Lê Quý Thanh và Nguyễn Thị Thanh Hiếu đều trú tại Hà Nội tự nhận mình là nhân viên Ngân hàng, có mối quan hệ với cán bộ cấp cao và một số người đầu ngành, có thể vay vốn với lãi suất cho các doanh nghiệp, có thể chạy chức, xin làm chủ đầu tư thi công, xây dựng các dự án về công trình đô thị, nâng cấp sửa chữa, xin được các dự án ở khu công nghiệp... lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng và 15.000 USD.
 
    Các báo (26/8) cho biết, Công an TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Hồng Trinh, ngụ xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang về hành vi “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Từ tháng 7 đến tháng 12/2022, Bùi Hồng Trinh đã bán 14 tờ hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Ngọc Mai Phát, địa chỉ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có nội dung khống cho nhiều trường học, công ty, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tổng số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn gần 1,9 tỷ đồng; Trinh thu lợi bất chính gần 60 triệu đồng từ việc mua bán trái phép số hóa đơn trên.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (22/8) cho biết, để đổi lấy tình dục và tiền bạc, một cán bộ thanh tra thuộc Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đã giúp một phụ nữ quốc tịch Trung Quốc hành nghề mại dâm có được Special Pass (thẻ lưu trú đặc biệt) tại Singapore. Teo Hwee Peng, cựu quan chức ICA, đã bị tòa tuyên án tổng cộng 33 tháng tù giam và phạt tiền 2.634 đô la Singapore (1.940 đô la Mỹ). Teo Hwee Peng bị kết tội hồi tháng 5 với 8 tội danh tham nhũng. Thẻ lưu trú đặc biệt do ICA hoặc Bộ Nhân lực cấp, có chức năng hợp pháp hóa việc lưu trú của người nước ngoài tại Singapore. Thẻ này được cấp theo một mục đích cụ thể như hỗ trợ điều tra, hầu tòa và cho những người không có quốc tịch cư trú tại Singapore. Tuy nhiên, người được cấp Special Pass không được phép tìm việc làm ở Singapore.
 
    Báo Thanh tra (22/8) thông tin, các cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đang điều tra cựu lãnh đạo HĐQT Tập đoàn In và Đúc tiền quốc gia Trung Quốc Chen Yiqing vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật nghiêm trọng. Cuộc điều tra được phối hợp thực hiện bởi nhóm giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và cơ quan giám sát ở Hàm Dương - một thành phố của tỉnh Thiểm Tây. Tập đoàn này là một doanh nghiệp nhà nước lớn, chuyên thiết kế, phát triển và in đồng nhân dân tệ cũng như cung cấp các dịch vụ quản lý tiền mặt. Cuộc điều tra đối với Chen Yiqing diễn ra sau khi 2 cựu quan chức cấp cao khác của tập đoàn bị khai trừ khỏi Đảng vì nghi ngờ tham nhũng.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Truy tố 3 cán bộ Sở Y tế Cà Mau liên quan vụ Việt Á;
    - Giả danh cán bộ Ban Nội chính Trung ương lừa chạy việc, chiếm gần 10 tỷ đồng;
    - Bệnh viện TP. Thủ Đức thiệt hại hơn 10 tỷ đồng trong vụ Việt Á.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.