Điểm báo số 478 từ ngày 27/6 đến ngày 03/7 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 04/07/2022, 15:29 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (28/6) có bài: “Dịch vụ làm CCCD ở Gò Vấp: Chi 3,5 triệu đồng, 4 ngày sau có CCCD”. Theo đó, trong tháng 4/2022, trên Facebook xuất hiện nhiều thông tin chào hàng làm CCCD “dịch vụ”, trong đó có tài khoản “Hanh Vũ” rao: “Mọi người ai cần làm căn cước công dân khu vực TP.HCM hoặc lân cận liên hệ em nha (trường hợp làm rồi chưa có thì vẫn làm lại được), chỉ mất từ 3-5 ngày. Làm tại công an quận, huyện và nhận CCCD mới thanh toán”. Theo điều tra, người cần làm CCCD đến gặp Đại úy Minh, công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Gò Vấp và được làm ngay thông qua “cò”. Hiện Công an quận Gò Vấp đã tạm đình chỉ công tác với Đại úy Minh để xác minh, thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Công an quận Gò Vấp cũng đang làm rõ những người có liên quan đến đường dây “bán suất”, làm nhanh CCCD “dịch vụ” này để xử lý theo quy định. Liên quan đến vụ việc này, theo báo Tin tức (30/6), Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, vụ việc liên quan đến Đại úy Lê Ngọc Minh, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp nhận 3,5 triệu đồng để làm nhanh căn cước công dân mà báo chí phản ánh đã có kết quả điều tra ban đầu. Theo đó, hành vi vi phạm của Đại úy Lê Ngọc Minh có tính chất cá nhân, lợi dụng vị trí công tác trong tiếp nhận hồ sơ, đề xuất và trả thẻ căn cước công dân để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lực lượng công an. 
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Thanh tra, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Lao động, Tiền phong, Công lý, Giao thông, Pháp luật TP.HCM, Bảo vệ pháp luật (30/6) cho biết, xuất phát từ đơn thư tố giác của công dân và thông qua kết luận của cơ quan Thanh tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan điều tra Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện đã phối hợp điều tra, xác minh đối với cán bộ thôn Việt Vân, xã Việt Thống có hành vi giao, bán đất nông nghiệp, đất ao trái thẩm quyền, mục đích để chuyển thành đất ở, vi phạm các quy định của pháp luật. Tổng số tiền thu từ việc bán đất trái thẩm quyền của thôn Việt Vân là hơn 4 tỷ đồng, số tiền trên thôn Việt Vân đã chi hết vào việc làm đường thôn và đường liên xã. Hiện tại, 58 lô đất bán trái thẩm quyền chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở đối với Nguyễn Văn Kết, Bí thư Chi bộ và Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn, Trưởng Ban Quản lý thôn về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
    TTXVN, báo Tin tức (30/6) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang mức án tù chung thân về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc bị cáo Trang phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Theo cáo trạng, Trang nguyên là cán bộ Công an, sau đó, chuyển công tác và là Trưởng Bộ phận kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo Việt, thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc. Trang không có chức năng, nhiệm vụ về việc tuyển dụng công chức vào ngành Công an. Tuy nhiên, bị cáo hứa hẹn với bị hại để nhận tiền, rồi chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Bên cạnh đó, lợi dụng vị trí công tác kinh doanh gạo xuất khẩu, Trang đã lừa đảo chiếm đoạt của 10 bị hại với số tiền gần 161 tỷ đồng. 
 
    TTXVN, báo Tin tức (30/6) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 7 năm tù đối với bị cáo Vũ Trung Kiên, nhân viên hợp đồng tại Phòng Quản trị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, từ năm 2019, Cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân nhận được đơn tố giác của ông Phạm Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Mai Dương (Nghệ An) tố cáo Vũ Trung Kiên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định, ông Sơn được giới thiệu Kiên đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước, có khả năng tác động giúp cho Công ty của ông Sơn trúng thầu thi công xây dựng trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An. Chi phí thanh toán là 6% giá trị gói thầu. Kiên được tạm ứng 1 tỷ đồng để triển khai công việc. Sau khi nhận tiền, Kiên dùng chi tiêu cá nhân, không thực hiện đúng cam kết. 
 
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VnExpress, VietNamNet, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ TP.HCM, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN (30/6) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét kết quả kiểm tra thi hành kỷ luật đối với đồng chí Bùi Đăng Thủy, đảng viên Chi bộ Tổ chức cán bộ, Đảng bộ Cục Thi hành án dân sự; nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, hậu quả vi phạm và nguyên nhân, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Đăng Thủy bằng hình thức cảnh cáo. Ngoài ra, tại kỳ họp này Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk còn xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm khác.
 
    Báo Công an nhân dân, Lao động, Người Lao động, Giao thông, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, VietNamnet, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Đài TNVN (30/6) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên ban hành thông báo về kết quả Kỳ họp lần thứ 11. Theo thông báo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật khiển trách Đảng ủy Sở Nội vụ nhiệm kỳ 2015-2020. Kỷ luật cảnh cáo đối với các ông: Đoàn Kim Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Phú Yên; Nguyễn Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Sông Hinh; Lê Thanh Tùng, Đảng ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh; Đặng Quang Anh, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên. Kỷ luật khiển trách đối với các ông: Nguyễn Kim Hoàng, Thị ủy viên, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TX.Sông Cầu; thượng tá Lê Đồng Úy, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng Công an TX.Sông Cầu; trung tá Huỳnh Hải Phú, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX.Sông Cầu. 
 
    TTXVN, báo Lao động, Dân Việt, Tiền phong, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN (01/7) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lâm Văn Bình, trú tại ấp Trường Hưng, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng để điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Trước đó, qua tin báo của quần chúng nhân dân, từ tháng 10/2021 đến nay, Lâm Văn Bình cùng một số đối tượng khác đã tổ chức đưa nhiều phụ nữ từ 14 đến 20 tuổi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để lao động và kết hôn với người nước sở tại; trong đó có hai nạn nhân ở tỉnh Ninh Thuận. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đường dây tổ chức liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Thuận và các tỉnh biên giới phía Bắc.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Thanh tra, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN (27/6-01/7) đồng loạt đưa tin, các tỉnh ủy, thành ủy: Đà Nẵng, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Trị, Bắc Ninh, Thái Nguyên, đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 8 vụ án được dư luận quan tâm; giao Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc 19 vụ án, vụ việc.
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Lao Động, Công thương, Giao thông, Xây dựng, Đấu thầu, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Đại đoàn kết, Công lý, Zingnews.vn, Đài THVN, Đài TNVN (27/6) cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 19 bị cáo và các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của bị đơn dân sự và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước đó, cuối năm 2021, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km; khởi công năm 2013. 19 bị cáo trong vụ án này đã bị tuyên phạt từ 30 tháng tù đến 8 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Các báo này (29/6) tiếp tục thông tin phiên xét xử phúc thẩm vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các bị cáo nói lời sau cùng tại Tòa, 19 bị cáo thừa nhận sai phạm, mong muốn Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo và đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên tài sản. Các báo này (01/7) cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 19 bị cáo trong vụ án này. Theo đó, một số bị cáo đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả; Hội đồng xét xử đã tuyên giảm án cho 5 bị cáo từ 6 tháng đến 9 tháng tù; bác kháng cáo đối với 14 bị cáo còn lại. Trước đó, ngày 28/5, các báo này cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định tặng Bằng khen cho ông Phạm Tấn Lực, công dân xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, đã có thành tích phản ánh thông tin liên quan đến tiêu cực trong thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
 
    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Thanh tra, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN (28/6) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Quốc Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình công cộng Hội An về hành vi nhận hối lộ. Đồng thời, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Quang Kim Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Đ.P.T, đơn vị cung cấp xe điện có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh về hành vi đưa hối lộ. Theo kết quả điều tra, thực hiện chủ trương về việc thí điểm vận chuyển hành khách tham quan du lịch bằng xe điện 4 bánh trên địa bàn thành phố Hội An, Công ty cổ phần Công trình công cộng Hội An tổ chức đấu thầu mua sắm 30 chiếc xe điện, với tổng giá trị 7,3 tỷ đồng. Đối tượng Sơn đã liên hệ và thỏa thuận với Tiến tạo điều kiện cho công ty của Sơn trúng thầu hợp đồng mua bán 30 xe điện. Qua đó, đối tượng Sơn chi bồi dưỡng hơn 400 triệu đồng cho Tiến.
 
    TTXVN, báo Tin tức, VietNamplus, Công an nhân dân, Lao động, Giao thông, Xây dựng, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Dân việt, Người lao động, Thanh niên, Công luận, VietNamnet, Đài TNVN (28/6), Công lý (29/6) đưa tin, Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Duy Dũng, nguyên là cán bộ địa chính xã Lạc Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021, lợi dụng việc một số hộ dân có nhu cầu làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Dũng đã hứa hẹn làm giúp để chiếm đoạt tài sản. Bước đầu Dũng khai nhận đã chiếm đoạt của 5 người dân số tiền 51 triệu đồng. Tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Nhiều cán bộ địa chính không làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, lợi dụng chức danh, nghề nghiệp được phân công để trục lợi cho cá nhân.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (29/6) đồng loạt thông tin về Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022. Theo đó, cách đây 10 năm, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Đây là quyết định quan trọng đánh dấu bước chuyển biến sâu sắc về tư duy và hành động, tạo nên những kết quả ấn tượng trong công tác này. Ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, Ban Nội chính Trung ương được tái thành lập, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Dưới sự theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, công tác PCTN ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu và toàn diện… Bộ Chính trị quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC nhằm: (1) Đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác PCTN, TC trong 10 năm qua và sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về PCTN, TC thời gian tới. (2) Quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về PCTN, TC, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC. (3) Tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Các đồng chí chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    TTXVN, báo tin tức (28/6) có bài, “Vụ Việt Á: Sai phạm đến đâu - Xử lý đúng người, đúng tội đến đó”. Bài báo cho hay, vụ việc nâng giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cho thấy, sự sa ngã, trục lợi chính sách của những cán bộ lãnh đạo cấp cao giữa đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả khôn lường. Theo bài báo, ngày 03/02/2020, nhiệm vụ được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (thời điểm đó là ông Chu Ngọc Anh) phê duyệt với tổng kinh phí nghiên cứu gần 19 tỷ đồng. Theo đó, Học viện Quân y là đơn vị tổ chức chủ trì nhiệm vụ. Trong số 17 thành viên tham gia thực hiện, Công ty Việt Á có tới 4 người tham gia với tư cách thành viên nghiên cứu chính (trong đó có cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt). Sau khi hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, quá trình kiểm định chất lượng bộ kit xét nghiệm được thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngày 03/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 với 8/8 thành viên nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép lưu hành. Ngày 04/3/2020, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho bộ sinh phẩm nói trên. Trong khi đó, theo báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước này hoàn toàn không có tên Công ty Việt Á. Thế nhưng, ngày 04/12/2020, Bộ Y tế đã quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á. Theo Bộ Công an, sau khi được cấp phép, Việt Á đã cấu kết, thông đồng với lãnh đạo các địa phương, đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá thành của kit xét nghiệm lên 45%, khoảng 470 nghìn đồng/kit. Việt Á “bắt tay”, cung ứng đồng loạt kit xét nghiệm cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62/63 tỉnh, thành  phố trên cả nước, mang về doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng dành riêng để “bôi trơn”, “lại quả”. Cuối tháng 12/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo, với tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, thực hiện khẩn trương, dứt điểm, nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, hàng loạt lãnh đạo CDC, nhiều bệnh viện vì nhận tiền của Việt Á. Chỉ trong vòng 6 tháng, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam trên 60 người là lãnh đạo, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC, bệnh viện ở hàng loạt địa phương; phong tỏa, kê biên, thu hồi ước tính hơn 1.600 tỷ đồng. Qua việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan vụ Việt Á thời gian qua, hàng loạt thông tin được làm sáng tỏ, công khai, minh bạch; xóa bỏ những luận điệu xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận, chống phá lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 
 
    Tiếp tục các thông tin liên quan đến Công ty Việt Á, TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Lao Động, Công thương, Giao thông, Xây dựng, Đấu thầu, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Pháp luật TP.HCM, Zingnews.vn, SGGP, Đài THVN, Đài TNVN (29/6) cho biết, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã công bố Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm liên quan việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại CDC Đà Nẵng. Kết quả thanh tra chỉ ra các nội dung có dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu, Thanh tra thành phố đã chuyển đến Cơ quan điều tra Công an thành phố để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Các báo này (30/6) cho biết, tại tỉnh Bình Dương, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 03 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các đối tượng gồm hai cá nhân thuộc Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An là: Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc; Lê Thị Hồng Liên, Trưởng Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế và Giám đốc Công ty Nam Phong Phạm Vũ Phong. Theo điều tra, trong năm 2021, Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An đã mua vật tư y tế và các vật tư hóa chất khác phục vụ xét nghiệm Covid-19 bằng hình thức chỉ định thầu theo 3 hợp đồng với tổng số tiền hơn 40 tỷ. Công ty Việt Á đã thanh toán toàn bộ số tiền trên cho Công ty Nam Phong từ nguồn tiền ngân sách nhà nước gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Cùng ngày, các báo này cho biết, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện đấu thầu, mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sau khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Đảng ủy Bệnh viện nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025. Một số lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo một số khoa, phòng liên quan cũng bị thi hành kỷ luật. Trong ngày, các báo này thông tin, Cơ quan chức năng đã khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam hai nguyên cán bộ thuộc CDC tỉnh Bình Phước gồm: Nguyễn Văn Sáu, nguyên Giám đốc và Lê Thành Bắc, nguyên nhân viên khoa Dược. Theo thông tin ban đầu, năm 2021, hai bị can đã tham gia lập hồ sơ hợp thức việc đấu thầu mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Việt Á và Công ty TNHH TMDV Thuận Giang không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước 5 tỷ đồng. Theo các báo này (01/7), tại cuộc họp báo do UBND TP.Hà Nội tổ chức, Lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra Công an thành phố đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến CDC Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Theo đó, vụ án tại CDC Hà Nội, ông Trương Quang Việt, Giám đốc và bà Lê Thị Bích Tuyến, Trưởng phòng Tài chính Kế toán đã nhận 1,1 tỉ đồng của Công ty Việt Á và gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9 tỉ đồng.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/6) cho biết, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Tại cuộc họp, cơ quan Công an các đơn vị đã cung cấp thêm thông tin về các vụ án dư luận quan tâm. Về vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 bị can về tội “Nhận hối lộ” và 3 bị can về tội “Đưa hối lộ”. Kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD. Trong vụ án ở Công ty Việt Á, đến nay, Bộ Công an đang điều tra hành vi của các bị can, trong đó có các ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế). Trong vụ Việt Á, cơ quan Công an tập trung điều tra 4 nhóm tội danh, trong đó trung tâm sai phạm là sản xuất, phân phối, móc ngoặc đấu thầu và chi tiền ngoài hợp đồng. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đánh giá, đây là vụ án lớn, với trên 6.000 bị hại, số tiền chiếm đoạt lên tới 8.800 tỷ đồng.
 
    TTXVN, Đài TNVN và các báo (30/6) thông tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 cán bộ của hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải để điều tra làm rõ hành vi “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Các cán bộ bị khởi tố gồm: Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam; Võ Thể, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, hiện là Phó Trưởng Ban Dân vận huyện Ninh Hải; Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Hải; Trương Trọng Duy, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Hải, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hải. Theo hồ sơ, từ năm 2015-2019, hai ông Tuấn và Duy tham mưu cho ông Thể ký ban hành các quyết định cho 7 trường hợp thuê hơn 9.000 m2 đất trái quy định trên địa bàn huyện, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 9 tỷ đồng. Riêng ông Xuân, từ năm 2015-2020, đã ký cho 37 trường hợp thuê hơn 11.000 m2 đất phi nông nghiệp khu vực Cảng Cà Ná mở rộng sai quy định, không thông qua đấu giá, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng.
 
    Theo tin từ TTXVN, báo Công lý, Người Lao động, Dân việt, Zingnews.vn, Đài THVN (30/6), Tiền phong, Giao thông, VnExpress, Đài TNVN (01/7), Cơ quan điều tra, Công an TP Hải Phòng quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Phương Hoa, nguyên Hiệu trưởng và Nguyễn Thị Dung, kế toán Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện An Dương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021, Hoa và Dung đã lập khống hồ sơ thanh toán các hạng mục công trình để rút tiền ngân sách, trái với quy định về quản lý tài chính, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (01/7) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Tây Đô. Vụ án có 15 bị cáo gồm: Nguyễn Minh Chuyển, cựu Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Trà Nóc (sau là Vietcombank - Chi nhánh Tây Đô); Trần Anh Huy, cựu Trưởng Phòng Khách hàng và ba cựu cán bộ Vietcombank Chi nhánh Tây Đô là: Phạm Văn Trí, Đỗ Phương Bảo Quế và Nguyễn Hữu Nghĩa; 10 bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp là: Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Công Trừng, Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trịnh Minh Tú, Võ Vũ Bình, Cao Hoàng Thám, Nguyễn Thanh Hùng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám. Cáo trạng quy kết Chuyển cùng 14 bị cáo khác gây thiệt hại cho Vietcombank - Chi nhánh Tây Đô hơn 278 tỷ đồng, các bị cáo đã khắc phục được hơn 70 tỷ đồng. Cáo trạng xác định bị cáo Chuyển là chủ mưu, cầm đầu; Trần Anh Huy là đồng phạm giúp sức tích cực với Chuyển. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Chuyển 16 năm tù; bị cáo Anh Huy 10 năm tù; Cường 5 năm tù; Tùng Huy 3,5 năm tù; Bình mức án 2 năm 5 tháng bốn ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 1 đến 3 năm tù, được Tòa cho hưởng án treo. Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc các bị cáo Tùng Huy, Trinh, Hùng, Tú, Cường, Chuyển, Anh Huy, Quế, Cao Hoàng Thám phải bồi thường cho ngân hàng hơn 100 tỷ đồng…
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, Pháp luật TP.HCM, VietNamplus, Tiền phong, Thanh niên, Đồng Nai, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (02/7) đưa tin, Công an tỉnh An Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Hai đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm Nguyễn Ngọc Thanh Hải. Các quyết định trên được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Từ năm 2007-2016, bà Yên đã bàn bạc, cấu kết với ông Hải, chỉ đạo các cán bộ tín dụng lập nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn không đúng quy định. Cạnh đó, ông Hải còn cho bà Yên ký mạo chữ ký, chữ viết của người vay trong hợp đồng tín dụng, người nhận tiền trên giấy lĩnh tiền để bà Yên lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân gây thiệt hại 2,258 tỷ đồng.
 
    TTXVN, Đài TNVN và các báo (02/7), Công luận, Đài THVN (03/7) đưa tin, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, theo đó, bị can Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng. Các đồng phạm gồm: Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc; Phí Duy Tiến, Phó Giám đốc; Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức; Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên, Trưởng khoa Tổng hợp; Lương Ngọc Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế; Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Khoa Glaucoma. 
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (03/7) có bài: “Đường thẳng hóa cong, dài hơn để qua đất nhà 20 cán bộ, Cục Phòng, chống tham nhũng vào cuộc”. Theo đó, Thanh tra tỉnh Trà Vinh kết luận Sở Giao thông - Vận tải có lợi ích nhóm khi nắn đường đi vào đất 20 cán bộ và kiến nghị chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra nhưng rồi bị “ngâm” suốt 13 năm qua, trong khi các hộ bị giải tỏa chưa được tái định cư. Đó là dự án đường số 1, dài 2,2 km (được phê duyệt và khởi công năm 2006). Giai đoạn 1 dự án có vốn đầu tư gần 142 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Dự án thu hồi 28,3ha đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức. Sau đó, dự án được điều chỉnh, mở rộng và bổ sung dự toán thêm gần 14,8 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 160 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án nói trên. Đáng chú ý, dự án đã tạo điều kiện cho 12 cán bộ, công chức tỉnh Trà Vinh và 8 cán bộ, công chức Sở Giao thông - Vận tải (chủ đầu tư dự án) có đất nằm trong diện được thu hồi, bồi thường với tổng diện tích gần 41.000m2. Ngoài ra, giám đốc 2 công ty liên danh thi công dự án cũng sở hữu, “đón lõng” hơn 40.000m2 đất nằm trong dự án. Thanh tra cũng xác định dự án có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân; có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng…
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (29/6) đưa tin, Chánh án Tòa án tối cao Nigeria Tanko Muhammad đã từ chức chỉ ít ngày sau khi bị các thẩm phán cáo buộc tội tham nhũng. Trước các cáo buộc nhằm vào mình, ông Tanko Muhammad đã lên tiếng phủ nhận. Việc từ chức của ông Muhammad được đưa ra 1 tuần sau khi 14 thẩm phán của Tòa án tối cao soạn thảo một lá thư cáo buộc ông tham nhũng. Bức thư tuyên bố rằng, các thẩm phán “không được cấp đặc quyền có người đi cùng khi đi công tác”. Tuy nhiên, Chánh án Tòa tối cao Tanko Muhammad “hoàn toàn phớt lờ” quy định và vẫn đi cùng “vợ, con cái và nhân viên riêng”. 
 
    Báo Thanh tra (30/6) cho biết, cam kết chống tham nhũng trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sau hội nghị ở Elmau, Đức đã được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hoan nghênh. Trong một thông cáo báo chí, TI cho biết, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 “chứa đựng sự công nhận đáng hoan nghênh rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn tham nhũng xuyên biên giới”. 
 
    Báo Thanh tra (01/7) đưa tin, phiên tòa xét xử 49 nhân viên quân đội và an ninh nhà nước, bị truy tố trong một vụ án lạm dụng quyền lực, tham nhũng, biển thủ trị giá nhiều triệu euro đã bắt đầu tại Angola. Hầu hết các bị cáo đều đương chức dưới thời cựu Tổng thống Jose Eduardo dos Santos - người vừa mới nhập viện ở Barcelona. Cầm quyền trong suốt 38 năm (từ 1979 đến 2017), cựu nguyên thủ quốc gia này bị chỉ trích là không minh bạch và tham nhũng, khi nhân dân Angola chịu cảnh nghèo đói còn gia đình ông trở nên vô cùng giàu có. Theo Văn phòng Công tố, vụ việc gây thiệt hại hơn 52 triệu euro cho nhà nước.
 
    Báo Thanh tra (01/7) phản ánh, theo yêu cầu của các công tố viên Liên minh châu Âu (EU), Cảnh sát Tài chính Ý ở thành phố Palermo đã quản thúc tại gia 12 nghi phạm tham nhũng, gian lận và yêu cầu 10 người khác phải báo cáo với cảnh sát tư pháp liên quan đến việc sử dụng sai quỹ của EU. Văn phòng Công tố viên châu Âu (EPPO) cho biết, đang điều tra các vụ việc tham nhũng, gian lận gây thiệt hại cho Quỹ Nông nghiệp của EU ở Sicily (Ý) và liên quan đến một số quan chức cấp cao. Cơ quan thực thi pháp luật tài chính Ý đã tịch thu tiền và tài sản trị giá khoảng 2,5 triệu euro (2,63 triệu USD). Đây là số tiền mà các nghi phạm được cho là đã làm tổn hại đến ngân sách của EU, Ý và Sicily. Theo EPPO, cuộc điều tra tập trung vào các thủ tục xin tài trợ của EU và trong nước cho lĩnh vực nông nghiệp, vốn được trao trong Chương trình Phát triển Nông thôn, do Thanh tra Nông nghiệp tỉnh (IPA) giám sát.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 
 
    - Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
    - Liên quan đến vụ án của Công ty Việt Á, tiếp tục phát hiện sai phạm và tiến hành khởi tố hình sự tại các đơn vị liên quan thuộc tỉnh, thành phố: Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Phước, Đà Nẵng;
    - Xét xử phúc 19 bị cáo và các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi;
    - Đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh.
 
.