Điểm báo tuần số 371 từ ngày 08/6 đến ngày 13/6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 15/06/2020, 14:50 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Văn Hóa, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/6) đồng loạt phản ánh đợt 2, Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV. Trong đợt 2 Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.Q.uốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn các Hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, (gồm: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA)), phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việc Quốc hội đồng thuận phê chuẩn các Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để các Hiệp định sớm đi vào cuộc sống. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua việc bổ sung một số nội dung vào chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Chín; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU…
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/6) cho biết, Ðảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương tổ chức Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong nhiệm kỳ qua, Ðảng ủy, Ban Thường vụ Ðảng ủy và các chi ủy, chi bộ đã đoàn kết thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác; chủ động, tích cực phối hợp lãnh đạo Ban, các vụ, đơn vị lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị; hoàn thành có chất lượng 13 đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp. Các cấp ủy trong Ðảng bộ đã chỉ đạo các vụ, đơn vị nghiên cứu và triển khai nhiều đề tài, đề án khoa học có giá trị thực tiễn đối với công tác đấu tranh PCTN hiện nay. Các nhiệm vụ: hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp được tăng cường, tạo nhiều chuyển biến tích cực; hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương qua việc tham mưu chỉ đạo xử lý 120 vụ án, 95 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện Ban Chỉ đạo theo dõi… Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, đảng viên Ðảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Ðình Trạc Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị đại hội dành thời gian thảo luận, phân tích kỹ những kết quả, hạn chế trong nhiệm kỳ qua để đề ra giải pháp khắc phục. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn ra gay gắt; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ… Do đó, nhiệm kỳ tới, các cấp ủy cần xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; xây dựng cơ quan, Ðảng bộ và các đoàn thể vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Trung ương gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, lề lối công tác, phải có ý thức chính trị cao, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất. Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy gương mẫu hơn đảng viên. Trong công tác cán bộ, chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, tâm huyết; tránh tình trạng chỉ nhìn vẻ bề ngoài, mà không quan tâm thực chất, năng lực của cán bộ…Các đại biểu thảo luận, thông qua Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, với ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó quyết tâm hoàn thành tốt sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục triển khai hiệu quả toàn diện công tác xây dựng Ðảng; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy.
Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Nội chính Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 |
Báo Yên Bái, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Phụ nữ Việt Nam, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/6) đưa tin, Ðoàn công tác của Ban Bí thư do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm trưởng đoàn, làm việc với Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Yên Bái, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng. Báo cáo chính trị của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm yêu cầu về đổi mới, thể hiện quyết tâm, tầm nhìn, khát vọng phát triển và đã được các ban, bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá là phù hợp tiềm năng, lợi thế, tình hình thực tế và định hướng phát triển của Ðảng bộ tỉnh trong giai đoạn tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cơ bản hoàn thành phê duyệt đề án nhân sự đại hội các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và giai đoạn tiếp theo. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Yên Bái đã nỗ lực vượt qua, phấn đấu đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và phát triển theo hướng bền vững. Tỉnh đã đạt được 19 trong số 21 chỉ tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hơn 50% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và có một huyện nông thôn mới (cũng là huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Bắc). Công tác xây dựng Ðảng được chú trọng; bộ máy chính quyền được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị bảo đảm tiến độ các nội dung, thực hiện bài bản, có chiều sâu…Ðồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, Tỉnh ủy Yên Bái cần tập trung chỉ đạo tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ cấp huyện; tiếp tục rà soát kỹ để có sự sắp xếp, bố trí hiệu quả đối với các đồng chí không tham gia tái cử. Trong phát triển kinh tế, Yên Bái cần đề ra nhiều biện pháp cụ thể, đồng bộ nhằm thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, năm chương trình trọng điểm đạt kết quả cao; chú trọng mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải có tính chất bền vững theo hướng xanh, hài hòa môi trường, phù hợp bản sắc.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Pháp luật Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/6) đồng loạt đưa tin, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”. Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Các thế hệ nhà báo đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, tài năng, đạo đức và bản lĩnh chính trị của mình để có những bài báo xuất sắc, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo chí đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Thông qua các hình thức đưa tin sáng tạo, bài viết sâu sắc, phóng sự đi vào lòng người, những người làm công tác thông tin, truyền thông đã phản ánh toàn diện, minh bạch về tình hình kinh tế - xã hội, dịch bệnh Covid-19 cũng như phổ cập đầy đủ các kiến thức, kỹ năng phòng, tránh dịch đến người dân cả nước, góp phần tạo nên thành công lớn của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Trong những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của báo chí - cầu nối quan trọng giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân. Các cơ quan báo chí, các nhà báo đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; các nội dung được truyền tải bằng nhiều hình ảnh sinh động, dễ hiểu, thông tin nhanh chóng, kịp thời; có nhiều bài viết phân tích chuyên sâu về những nội dung chính sách được Quốc hội thảo luận, xem xét, giúp cử tri, nhân dân hiểu và ủng hộ, tạo sự đồng thuận để đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, báo chí cần chú trọng tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; chủ động đổi mới, sáng tạo, cập nhật công nghệ truyền thông mới, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy cao độ trí tuệ, tài năng, tâm huyết, sức sáng tạo để cống hiến nhiều hơn, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, VietnamNet (08/6) Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm Đoàn Văn Phúc, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre; bị cáoTrương Văn Em, cựu Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường tỉnh cùng các đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ Cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Việt tại Bến Tre không có máy móc, thiết bị, công nghệ tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên vì được hưởng lợi từ Công ty Hồng Việt nên Đoàn Văn Phúc cùng cán bộ dưới quyền đã làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Các bị cáo nguyên là cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre trong vụ án đã được Công ty Hồng Việt biếu tiền. Trong đó, cựu Phó Giám đốc Đoàn Văn Phúc đã nhận trên 500 triệu đồng.
Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Khoa học và Đời sống, Thời báo Tài Chính, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Dân trí (09/6) cho biết, căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng Phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Hiện Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang điều tra, làm rõ sai phạm của các bị can và trách nhiệm của những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Khoa học và Đời sống, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên (10/6) cho biết, cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh 1 đoạn clip dài 57s được chia sẻ trên mạng xã hội với tựa đề "Nghi vấn Phó Chủ tịch huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ tiền doanh nghiệp". Trong clip, nhiều đoạn mất âm thanh và nhiều đoạn có tiếng nói xung quanh về việc người đưa tiền (trong clip) muốn "nhờ cậy" việc gì đó rồi đưa một tập màu xanh nghi giống tiền có mệnh giá 500.000 đồng về phía người áo trắng được cho là ông Hồ Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Thông tin từ UBND huyện Tĩnh Gia (nay là Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết đơn vị đang tích cực phối hợp với cơ quan Công an để điều tra, xác minh làm rõ thực hư của đoạn clip này.
Báo Đắk Lắk, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Dân trí, Đài TNVN (11/6) thông tin từ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đỗ Mai, Thư ký Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, vào cuối năm 2019, ông Mai dưới danh nghĩa là thư ký Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột, đã nhận của ông P.V.T (trú tại Ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) số tiền 240 triệu đồng. Sau khi nhận tiền của ông P.V.T, ông Mai chỉ dùng hơn 71 triệu đồng nộp tiền án phí và trả thù lao cho luật sư; số còn lại là hơn 168 triệu đồng, ông Mai đã sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Ông P.V.T. đã làm đơn tố cáo đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và ông Mai bị khởi tố và bắt tạm giam. Vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Công lý, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress (12/6) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố thêm 4 bị can, gồm: Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam; Vũ Bá Vinh, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát nội bộ; Huỳnh Văn Tranh, nguyên Kiểm soát viên phụ trách chung và Trịnh Ngọc Thuận, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Kết quả điều tra cho thấy, các bị cáo đã thiếu kiểm tra giám sát, buông lỏng quản lý tài sản, không kiểm tra toàn diện, không chỉ đạo đối chiếu công nợ trực tiếp với khách hàng nên không phát hiện hành vi phạm tội của cấp dưới, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng choTổng Công ty Lương thực Miền Nam.
TIN QUỐC TẾ
Thông tấn xã Việt Nam (10/6) đưa tin, các công tố viên Malaysia đã rút các cáo buộc tham nhũng đối với ông Musa Aman, cựu Thủ hiến bang Sabah, Ông Aman là một đồng minh của cựu Thủ tướng Razak, người cũng đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng trong 3 phiên tòa riêng rẽ liên quan vụ thất thoát hàng tỷ USD tại quỹ 1MDB. Số tiền 3,7 tỷ USD thất thoát bị cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore. Vụ bê bối là một trong những nguyên nhân khiến ông Najib Razak thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018. Tuy nhiên, ông Razk khẳng định ông vô tội, đồng thời cho rằng các cáo buộc chống lại ông là nhằm mục đích chính trị.
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (13/10) cho biết, Tòa án tối cao Tây Ban Nha cho biết các cơ quan chức năng đang thực hiện một cuộc điều tra đối với cựu vương Juan Carlos vì bị cáo buộc có liên quan đến một khoản tiền lót tay trị giá 6,7 tỉ euro (khoảng 7,6 tỉ USD) để tạo điều kiện cho một nhóm các công ty Tây Ban Nha có được hợp đồng trong dự án đường sắt cao tốc giữa hai thành phố Mecca và Medina của Saudi Arabia. Khi còn tại vị, vua Jua Carlos có quyền miễn trừ pháp lý. Đến năm 2014, vì có dính líu đến hàng loạt vụ bê bối, ông phải thoái vị và trao lại ngai vàng cho con trai mình là ông Felipe Carlos.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
- Ðảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương tổ chức Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020–2025.
- Đề nghị truy tố nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
- Điều tra, xác minh nghi vấn Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ tiền doanh nghiệp.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG