Điểm báo tuần số 354 từ ngày 10/02 đến ngày 15/02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/02/2020, 10:51 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (10/02) phản ánh các nội dung của Nghị định 15/2020/NÐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, hành vi gửi, chấp nhận, vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Tổ chức cũng bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu gửi, chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa: vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước cấm xuất khẩu/nhập khẩu; vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông; vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính... Mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng áp dụng đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không có giấy phép; mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính hoặc cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật. Ngoài ra, hành vi mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính từ 1 đến 3 tháng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
 
    Báo Điện tử Chính Phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Xây Dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Văn Hóa, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/02) đưa tin về Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Năm chủ tịch AIPA 2020. Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2020, cùng với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng giữ vai trò là Chủ tịch AIPA – cơ chế liên nghị viện các nước Đông Nam Á của 10 nước ASEAN và 12 nước đối tác. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đầy đủ, nổi bật vai trò là nước chủ nhà của AIPA 2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/02) đồng loạt đưa tin, Bộ Chính trị họp, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện một bước các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gửi xin ý kiến đại hội đảng bộ cơ sở. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Thời gian qua, các tiểu ban đã sát sao chỉ đạo các tổ biên tập, nhất là thường trực tổ biên tập, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 11 để hoàn thiện một bước các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các dự thảo Văn kiện đã đáp ứng cơ bản mục tiêu, yêu cầu đề ra; đã rà soát, chỉnh sửa cả nội dung và hình thức, chuẩn xác trong diễn đạt, làm rõ nội hàm các khái niệm, nội dung, vấn đề, bảo đảm sự thống nhất giữa các dự thảo Văn kiện. Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cuộc họp hôm nay, các dự thảo Văn kiện đủ điều kiện để in ấn, gửi cho các đại hội đảng bộ cơ sở. Các dự thảo báo cáo về cơ bản đã thống nhất, nhưng cần rà lại một lần nữa, câu chữ có thể đa dạng, phong phú, song quan điểm, tư tưởng, ý tứ phải thống nhất với nhau. Chỗ nào còn ý kiến khác nhau mà có lý lẽ, lập luận tương đối chấp nhận được, chưa có kết luận thì đưa ra hai hoặc ba phương án để tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến đóng góp. Trong diễn đạt, văn phong cần rà soát lại cho chính xác, trong sáng, dễ hiểu, không để các câu văn nói vì đây là Văn kiện Đại hội, để lại cho muôn đời sau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cách tiếp thu phải có quan điểm, lập trường vững vàng; bình tĩnh lắng nghe, trân trọng, cân nhắc thật kỹ, tiếp thu tối đa mọi ý kiến, nhưng không đơn giản, dễ dãi, mà chắt lọc, có lý lẽ, có thực tiễn thuyết phục, có bản lĩnh bảo vệ ý kiến đúng, đúng nguyên tắc và hết trách nhiệm. Giữa các văn bản nếu chỗ nào khác nhau, hoặc chưa thống nhất thì căn cứ vào Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm của Đại hội. Những câu chữ còn mới chưa đi vào cuộc sống thì không đưa vào Văn kiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các Tiểu ban, nhất là các tổ biên tập khẩn trương hoàn thiện các dự thảo báo cáo để sớm in ấn, gửi phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở...
 
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Thanh tra, Giáo dục Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Biên Phòng, Xây Dựng (14/02) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội. Năm 2019, Ban Tiếp công dân Trung ương và cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn, thư, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở Thủ đô Hà Nội. Năm 2020, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nước ta thực hiện trách nhiệm Chủ tịch ASEAN. Để làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và các cơ quan trực tiếp tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức chu đáo việc tiếp công dân theo đúng quy định, chủ động xử lý các tình huống phức tạp phát sinh, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường đối thoại tại nơi xảy ra vụ việc. Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương trao đổi thông tin, tình hình giải quyết vụ việc, tổ chức tiếp công dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương giải quyết, không để công dân lưu trú dài ngày ở Hà Nội gây phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (12/02) đưa tin, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành khởi tố bị can và tạm giam bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc để điều tra, xử lý hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bà Thu là phó chủ tịch phụ trách kinh tế của huyện Cao Lộc và ông Nguyễn Thế Tập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lộc. Trong hai năm 2017 và 2018, bà đã ký nhiều văn bản cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm đất đai nhiều ha đất rừng ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, gây bức xúc dư luận. Vụ việc tiếp tục được cơ quan Công an Lạng Sơn điều tra làm rõ.
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Dân trí, TTXVN (12/02) thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết, ông Nguyễn Thanh Hải, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương có nhiều sai phạm về công tác tuyển dụng, về quản lý tài chính, gây nên sự bức xúc của cán bộ, nhân viên. Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục nhận được đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Thanh Hải. Theo đơn tố cáo, ông Nguyễn Thanh Hải yêu cầu người lao động đưa tiền và nhận 100 triệu đồng của người lao động để đưa vào danh sách 46 chỉ tiêu hợp đồng lao động tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương được Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt.Với những sai phạm nêu trên của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, xử lý sai phạm đối với ông Nguyễn Thanh Hải, cho thôi Quyền Cục trưởng. Ngày 05/02/2020 thành lập Đoàn xác minh nội dung tố cáo để tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc. Sau khi có kết quả xác minh, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công Thương.
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN (13/02) theo nguồn tin từ Công an TP. Đà Nẵng cho biết, đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng, thuộc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵngđể điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, vào tháng 5/2018, Thanh tra TP. Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý chất lượng xây dựng các khu hạ tầng kỹ thuật tái định cư: Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đã xảy ra hàng loạt sai phạm, từ lập dự án, giám sát đầu tư, khảo sát thiết kế, đấu thầu, quản lý chất lượng, giám sát, thi công xây dựng. Các sai phạm này gây thiệt hại cho ngân sách thành phố trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng đã chỉ định thầu trái quy định 5 gói thầu với tổng giá trị 3,42 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thuận Anh do ông Nguyễn Tuấn Thanh làm giám đốc (ông Thanh là con ruột của ông Anh). Việc chỉ định thầu này là vi phạm các hành vi bị cấm tại Luật Đấu thầu, vi phạm quy định những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm tại Luật Phòng, chống tham nhũng… Sau khi nhận hồ sơ từ Thanh tra TP. Đà Nẵng chuyển sang, Công an TP. Đà Nẵng tiến hành điều tra, khởi tố vụ án.
 
    Báo Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, VietnamNet, TTXVN (14/02) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Duy Xuyên, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung và 04 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 5 đến 6-2011, Nguyễn Duy Xuyên đã sử dụng hai giấy ủy quyền của Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quang Trung, ủy quyền cho Xuyên để lập hồ sơ vay vốn của hai ngân hàng, rồi chiếm đoạt tiền vay lên đến 49 tỷ đồng của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Đông Hà Nội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Duy Xuyên 18 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt từ 2 năm 06 tháng tù đến 09 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường toàn bộ 49 tỷ đồng cho các ngân hàng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tuổi Trẻ (13/02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết đã ra quyết định bắt ông Hồ Hoài Bang, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), vì tình nghi nhận hối lộ. Theo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Hoài Bang bị cáo buộc lợi dụng vị trí của mình để đạt được lợi ích tài chính và nhận hối lộ trực tiếp hoặc thông qua người thân. Các thông tin được tiết lộ cho thấy ông Hồ Hoài Bang có liên hệ với một vụ án tham nhũng liên quan cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cam Túc Vương Tam Vận. Ông Vương đã bị tuyên 12 năm tù vào tháng 4/2019 sau khi bị kết tội nhận hối lộ 66 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,5 triệu USD).
 
    Báo Thanh tra (14/02) cho biết, Cơ quan Giám sát rửa tiền châu Âu Moneyval cảnh báo, Chương trình đầu tư cấp hộ chiếu của Cộng hòa Síp có nguy cơ cao bị lạm dụng để rửa tiền. Đảo quốc Địa Trung Hải này mở chương trình cấp hộ chiếu cho nhà đầu tư vào năm 2013 và đã có hơn 3.000 người tham gia. Theo Chương trình, khi bỏ ra tối thiểu 2 triệu euro, nhà đầu tư có thể nhận được hộ chiếu Síp và đi lại không cần thị thực trên khắp Liên minh châu Âu. Một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu năm 2019 cho thấy, bất động sản thường được những kẻ rửa tiền sử dụng như một khoản đầu tư ổn định do có thể tăng dần theo thời gian và ít bị giám sát. Moneyval cũng cho rằng, cần tăng cường sự giám sát đối với lĩnh vực bất động sản thông qua thúc đẩy hơn nữa những biện pháp ngăn ngừa đối với các đại lý bất động sản.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Bộ Chính trị họp, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện một bước các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
 
    - Bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
    - Tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Duy Xuyên, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung.
 
    - Bắt tạm giam ông Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.