Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Thứ Sáu, 17/05/2024, 19:23 [GMT+7]
    Sáng ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị "Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp". Các đồng chí: Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị; tham dự có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
 
    Hội nghị tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu nhằm đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. 
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp, Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Để bảo đảm phát huy những thành tựu, kết quả của giám định tư pháp, ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Thực hiện Luật Giám định tư pháp, trong thời gian thời gian qua, Chính Phủ và các bộ, ngành đã ban hành 60 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp. Hệ thống pháp y có ở ngành y tế, công an và Bộ Quốc Phòng; hệ thống pháp y tâm thần chỉ có ở ngành y tế và hệ thống kỹ thuật hình sự có ở ngành công an, Bộ Quốc Phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực và chỉ có 01 Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập (Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn). Toàn quốc có 7.135 giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc. Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chủ yếu là theo trưng cầu của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Từ năm 2018 đến 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc. Kết luận giám định là chứng cứ mang tính chuyên môn góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhanh chóng các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật...
 
    Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nên một số quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống. Vẫn còn thiếu các tổ chức chuyên môn thực sự có năng lực phù hợp với nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng đang từng ngày mở rộng đến các lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực công nghệ ton học, công nghệ cao. Chủ trương xã hội hóa giám định tư pháp còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Nhiều cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn lúng túng, khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn, trưng cầu giám định, nhất là các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực, chức năng quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành. Việc thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực còn có những khó khăn, vướng mắc. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp còn hạn chế, chưa chặt chẽ, bản kết luận giám định còn sơ sài, trả lời chung chung, không rõ ràng...
 
    Tại Hội nghị, đại diện của một số bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trình bày tham luận về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giám định tư pháp. Theo đó, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện các quy định có liên quan về giám định tư pháp, nhất là sửa đổi, bổ sung chế định chi phí giám định tư pháp, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về quy trình giám định chuẩn và thời hạn giám định ở các lĩnh vực giám định bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đầu tư thỏa đáng về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ người giám định tư pháp ở Trung ương, địa phương...
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
.