Cần Thơ: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp 9 tháng năm 2022

Thứ Hai, 24/10/2022, 07:08 [GMT+7]
    Ngay từ đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố Cần Thơ đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp; thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tham mưu ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022; triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; tham gia góp ý Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
 
    UBND Thành phố xây dựng Đề án số 01/ĐA- UBND, ngày 17/3/2022 về  tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn Thành phố Cần Thơ; Đề án số 02/ĐA-UBND, ngày 13/7/2022 về thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của Thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2022-2025. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
 
Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố Cần Thơ (tháng 8/2022)
Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố Cần Thơ (tháng 8/2022)
    Công an Thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện tốt mô hình tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tích cực thông tin, tuyên  truyền, giáo dục pháp luật về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp tới cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, xử lý tội phạm.
 
    Viện Kiểm sát nhân dân tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm sát viên đầy đủ phẩm chất “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; việc thực hiện chủ trương bố trí Viện trưởng Viện kiểm sát không phải là người địa phương được thực hiện tốt. Hiện nay, có 09/09 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương (đạt 100%), bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Thành phố trong tình hình mới.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp hiện có 09 đơn vị Tòa án nhân dân cấp quận, huyện; 05 Tòa chuyên trách và 03 đơn vị cấp phòng; thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và nhu cầu của từng đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân của Thành phố trong sạch, vững mạnh.
 
    Công tác tổ chức của ngành Thi hành án dân sự được quan tâm củng cố, kiện toàn; chủ động công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái cán bộ, công chức đến các đơn vị có án thụ lý nhiều, đạt tỷ lệ thấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
    Các cơ quan chức năng thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện tổ chức hành nghề luật sư không còn đủ điều kiện hoạt động và đề xuất, phối hợp giải quyết theo quy định; trong đó, cấp lại giấy đăng ký hoạt động cho 17 tổ chức hành nghề luật sư; 11 hồ sơ cấp mới; chuyển Bộ Tư pháp 01 hồ sơ đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; 02 quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư... Chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
 
    Trên địa bàn Thành phố hiện có 04 tổ chức giám định tư pháp gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an Thành phố, 01 tổ chức giám định pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế và 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc của Trung tâm Quản lý nhà ở và Chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Số lượng giám định viên tư pháp có 136 người và người giám định tư pháp theo vụ việc là 40 người.
 
    Các cơ quan chức năng quan tâm tới tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực, đã thực hiện giải quyết 28 hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng; 23 hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên; 11 hồ sơ xóa đăng ký hành nghề và thu thẻ công chứng viên. Ngành Tư pháp Thành phố cũng đã thực hiện giải quyết 01 hồ sơ đăng ký tập sự nghề thừa phát lại; 05 hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại và 05 hồ sơ thu hồi thẻ thừa phát lại. Trung tâm đấu giá tài sản thực hiện ký kết 13 hợp đồng, tổ chức bán đấu giá và đấu giá thành được 12 cuộc.
 
    Hội đồng nhân dân Thành phố và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí chủ động phối hợp với ngành tư pháp tổ chức tuyên truyền cho hơn 150.000 người và tổ chức sinh hoạt 72 cuộc tại câu lạc bộ pháp luật với hơn 2.000 lượt người tham dự; tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; phát huy tốt vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc chủ trì, phối hợp với các thành viên lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thông tin dư luận xã hội, báo chí để kịp thời góp ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thực hiện  chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuệ Minh
.