Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Chủ Nhật, 04/07/2021, 09:26 [GMT+7]
Chiều ngày 03/7, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” họp Phiên thứ nhất với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tham dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh Phiên họp |
Dự Phiên họp còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Dự họp còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án.
Tại Phiên họp, đại diện Tổ Biên tập, Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Kế hoạch xây dựng Đề án; Quyết định phân công, đề cương và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; Báo cáo tóm tắt ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Kế hoạch và dự thảo Đề cương Đề án.
Mục đích của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Phạm vi nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (từ năm 1991 đến nay); đề xuất quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp |
Nội dung nghiên cứu của Đề án bao gồm 12 vấn đề: (1) Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (3) Tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (4) Chế định Chủ tịch nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (5) Tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trong đó bao gồm cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức); (6) Tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trong đó bao gồm cải cách tư pháp); (7) Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (8) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (9) Đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trong đó bao gồm đảm bảo thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân); (10) Nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền một số quốc gia và khảo sát thực tế tại một số bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh, thành phố của Việt Nam; (11) Đánh giá tác động của việc ban hành và thực hiện Đề án; (12) Những nội dung cơ bản của Nghị quyết “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung tham gia vào các dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án, Đề cương Đề án, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; thống nhất đánh giá các tài liệu đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; cơ bản tán thành với nhiều nội dung nêu trong các văn bản. Đồng thời, làm rõ hơn các vấn đề về phạm vi của Đề án; nội hàm, nội dung nghiên cứu của Đề án; về các chuyên đề chuyên sâu để thực hiện Đề án và Đề cương của Đề án.
Đồng chí Phan Đình Trạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án báo cáo tóm tắt ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học |
Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đại hội XIII tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu: xây dựng Nhà nước kiến tạo, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai minh bạch; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thực hiện Chương trình làm việc của Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" do Chủ tịch nước làm Trưởng ban, có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Khi được hoàn thiện và triển khai thực hiện, Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, do vậy, cần phải bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, gợi mở nhiều nội dung quan trọng cho việc tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án. Đồng chí lưu ý các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng các chuyên đề phải chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, xác định yêu cầu, nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện, đề cương chuyên đề, phân công nhiệm vụ... để đảm bảo tiến độ được xác định trong từng chuyên đề. Đề nghị tập thể Ban Chỉ đạo, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, và các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ban Nội chính Trung ương, Tổ Biên tập triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ các công việc theo yêu cầu, mục đích đề ra.
Thu Huyền