Ninh Bình: Quan tâm tới công tác cải cách tư pháp
Thứ Hai, 16/11/2020, 07:08 [GMT+7]
Trong quý III năm 2020, Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo cấp ủy các cơ quan tư pháp, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp; đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn với thực hiện cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Các cơ quan tư pháp chủ động triển khai các Luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành liên quan tới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Ninh Bình tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2020; Tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020; tổ chức 03 cuộc kiểm tra việc tham mưu chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đối với Ban Chỉ đạo Thi hành án huyện Gia Viễn, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp; ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tập trung chỉ đạo các cơ quan tư pháp củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Ninh Bình chủ trì Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020 (tháng 7/2020) |
Sở Tư pháp làm tốt việc xây dựng, rà soát, thẩm định đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực; tập trung tuyên truyền các Luật, văn bản pháp luật mới có hiệu lực từ năm 2020; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên mục, phóng sự như: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh công tác dân vận trong hoạt động hòa giải trong cộng đồng; cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”; thực hiện tốt công tác nghiệp vụ hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý và theo dõi thi hành pháp luật.
Lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt, chủ động nắm và kiểm soát tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh trật tự, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. 100% các xã, thị trấn có lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Qua đó, đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; đẩy mạnh các mô hình, hoạt động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ hoặc cử đi đào tạo tại các trung tâm bồi dưỡng; chất lượng đội ngũ điều tra viên, giám định viên ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, không để xảy ra oan và bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; kiểm sát đầy đủ, kịp thời các hoạt động tố tụng trước, trong và sau phiên tòa.
Tòa án nhân dân hai cấp tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn quy định, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiêm theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị về cải cách tư pháp; triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao và của Tỉnh ủy; kiểm tra 100% hồ sơ các loại án, bản án và quyết định thi hành án cấp huyện, 100% quyết định thi hành án đối với người bị kết án đảm bảo đúng thời hạn; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đúng pháp luật; việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử được thực hiện đúng quy định.
Thường trực HĐND tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường công tác giám sát đối với các cơ quan tư pháp. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên tích cực tham gia và có nhiều đóng góp vào các hoạt động, như: Giới thiệu Hội thẩm nhân dân; cử bào chữa viên nhân dân; tham gia công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội; giúp đỡ người đã chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tiếp nhận và đề nghị giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia giám sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác tạm giữ tại Công an tỉnh và công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Công tác cải cách tư pháp được quan tâm, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan tư pháp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Tuệ Minh