Ngân hàng Nhà nước: Công khai, minh bạch trong hoạt động nhằm phòng ngừa tham nhũng

Chủ Nhật, 15/11/2020, 05:56 [GMT+7]
    Từ năm 2013 đến nay, ngành Ngân hàng đã tiếp tục thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động nhằm phòng ngừa tham nhũng; công khai minh bạch trong hoạt động tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành về tiền tệ, tín dụng; công khai kết quả kiểm tra, trích lập và sử dụng các quỹ, việc góp vốn, tăng vốn, chuyển nhượng cổ phần; công khai minh bạch trong việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, sửa chữa tài sản, công cụ làm việc về dự toán, quyết toán; công khai mục đích, nội dung dự án, số liệu dự toán, quyết toán, đấu thầu; công khai việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức...
 
    Căn cứ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản của Nhà nước, của ngành Ngân hàng, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã thực hiện xây dựng, bổ sung, ban hành, hệ thống hoá các văn bản về thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn như: Quy chế quản lý tài chính, tài sản; quy định định mức tiêu chuẩn về trang bị và sử dụng phòng làm việc, phương tiện làm việc như máy tính, điện thoại, văn phòng phẩm tiêu chuẩn…
 
Một Hội nghị của Ngân hàng Nhà nước
Một Hội nghị của Ngân hàng Nhà nước
    Toàn ngành Ngân hàng đã ban hành mới 4.080 văn bản và sửa đổi 2.125 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện 6.541 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
 
    Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ; quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ đã tác động mạnh mẽ đến đạo đức, ý thức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, 
 
    Trong kỳ báo cáo, có 10.198 đơn vị ngân hàng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó đã phát hiện và xử lý 302 cán bộ, nhân viên vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
 
    Từ 2013 đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 41.755 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, chủ yếu là cán bộ làm công tác tín dụng, kho quỹ, giao dịch viên, kế toán thanh toán, thanh tra và tổ chức cán bộ. 
 
    Thể chế về tiền tệ, hoạt động ngân hàng được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Các văn bản xây dựng và ban hành có quy định thủ tục hành chính đều đáp ứng được yêu cầu cải cách, đảm bảo công khai, minh bạch, cắt giảm chi phí hành chính, chi phí thực hiện. Thủ tục trong giao dịch của tổ chức tín dụng với khách hàng cũng được cải tiến, đổi mới mạnh mẽ.
 
    Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 năm 2009 đến nay, với hơn 80% thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí, đối với doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
 
    Hiện nay, 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, trả lương qua tài khoản đối với cán bộ, công chức, viên chức. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh việc mở các điểm rút tiền tự động (ATM) phục vụ cho các cơ quan, đơn vị đăng ký trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu qua tài khoản tại ngân hàng, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người thanh toán tiền lương qua tài khoản.
 
    Thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/07/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 2277/NHNN-TTGSNH ngày 10/04/2018 để thay thế Văn bản số 1545/NHNN TTGSNH ngày 14/03/2014 về hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập trong ngành Ngân hàng.
 
    Định kỳ hằng năm, Ngân hàng Nhà nước có báo cáo về việc kết quả minh bạch tài sản, thu nhập gửi Thanh tra Chính phủ theo quy định. Quán triệt thực hiện nội dung Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định, quyết định phân công, phân cấp rõ ràng giữa cấp trưởng và cấp phó về nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết công việc tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng; Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo, theo dõi sát sao việc xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị trong trường hợp để xảy ra hành vi hoặc biểu hiện tham nhũng. 
 
    Trong kỳ báo cáo, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã xem xét, xử lý trách nhiệm của 16 người đứng đầu cơ quan, tổ chức do để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật. 
                                                                                           Quốc Tuấn
.