Sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 20/10/2020, 15:47 [GMT+7]
Từ năm 2013 đến nay, trước yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nâng cao trách nhiệm để bảo đảm chất lượng thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và thông qua các dự án luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các dự án luật khác có liên quan thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, Đảng đoàn Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đoàn Quốc hội cũng phân công các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội tham gia các Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và lãnh đạo quá trình xây dựng, thẩm tra xem xét thông qua các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm đảm bảo tiến độ, thời gian và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đoàn Quốc hội cũng lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về các nội dung dự án luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua. Tất cả những nội dung lớn, phức tạp của các dự án luật, pháp lệnh đều được Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến và trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý. Hằng năm, Đảng đoàn Quốc hội đều tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động của mỗi thành viên Đảng đoàn Quốc hội trong hoạt động của mình trong đó có hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng. Các văn bản pháp luật được Quốc hội xem xét, thông qua như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán, Luật Giám định tư pháp... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng hoàn thiện phương thức quản lý, về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kiểm soát thu, chi ngân sách, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, kiểm soát hoạt động tín dụng và đầu tư xây dựng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, tạo sự thống nhất, tránh gây phiền hà, lãng phí thời gian, tiền bạc cho Nhân dân và doanh nghiệp, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, công tác xây dựng, ban hành thể chế được triển khai tích cực, đồng bộ, bám sát thực tiễn và thể chế hóa kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng), Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Đến nay, hệ thống pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội nhằm phòng, chống tham nhũng cơ bản đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và có tính khả thi... Việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong kỳ báo cáo (từ 01/01/2013 đến ngày 30/06/2020), Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế nhằm phòng, chống tham nhũng. Nhìn chung các luật được ban hành đến nay đã cơ bản điều chỉnh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh. Cụ thể việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực được thể hiện như sau:
Pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua hiến pháp năm 2013. Qua đó, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các cơ quan Nhà nước được xác định rõ và bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn. Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước trong đó có kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng đã được xác lập rành mạch hơn. Thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được phân công cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật.
Pháp luật về dân sự, kinh tế với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, các chế định về chế độ sở hữu, việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ dân sự, kinh tế ngày càng hoàn thiện; các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp được tạo điều kiện, bảo đảm về cơ sở pháp lý để phát triển đa dạng, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được xây dựng ngày càng đồng bộ hơn, phù hợp với quan hệ cung cầu, cạnh tranh lành mạnh, sử dụng linh hoạt và có hiệu quả các công cụ chính sách vĩ mô theo nguyên tắc của thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, minh bạch và thông thoáng hơn. Quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được ghi nhận và có biện pháp bảo đảm thực hiện. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn, dân chủ trong đời sống kinh tế -xã hội ngày càng được phát huy... Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực nêu trên góp phần quan trọng để loại bỏ dần cơ chế "xin-cho”, nhất là trong việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; xóa bỏ sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Pháp luật về tài chính công, tài sản công được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản của Nhà nước. Trong đó, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công... đã quy định khá đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công, tài sản công theo hướng hiện đại, đẩy mạnh và tăng cường phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước bảo đảm thống nhất của ngân sách Nhà nước, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn tài chính công, tài sản công, tài nguyên, môi trường... đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cũng đã hạn chế được những kẽ hở để cán bộ, công chức lợi dụng để tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt vốn, tài sản của Nhà nước. Pháp luật về ngân hàng, tổ chức tín dụng đã từng bước xử lý tình trạng "sân sau”, "đầu tư chéo”, "sở hữu chéo”.
Hồng Anh