Ninh Bình: Triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ Ba, 29/09/2020, 06:20 [GMT+7]
 
    Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  58/2020/QH14 được thông qua ngày 16/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Để việc triển khai, thi hành luật được kịp thời, hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch triển khai thực hành Luật, qua đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Luật tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
    Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
 
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, tại điểm cầu Ninh Bình (tháng 7/2020)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, tại điểm cầu Ninh Bình (tháng 7/2020)
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên địa bàn tỉnh. Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thi hành Luật cho tòa án và viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh.
 
    Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, điều kiện kinh tế của địa phương.
 
    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến hội viên, đoàn viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
    Tổ chức tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng hòa giải, đối thoại, bổ nhiệm hòa giải viên tại Tòa án hai cấp theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
 
    Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Tòa án nhân dân tỉnh, các cơ quan có liên quan giúp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ 6 tháng, hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.
Tuệ Minh
 
.