Thái Bình: Kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020
Thứ Tư, 15/01/2020, 08:01 [GMT+7]
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp; đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Kế hoạch số 52-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đến các đồng chí thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thường trực huyện ủy, thành ủy, thủ trưởng các cơ quan nội chính cấp huyện. Các cơ quan nội chính đã chủ động tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 18 văn bản liên quan đến công tác cải cách tư pháp; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác cải cách tư pháp gắn với triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị |
Đảng ủy Công an tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Năm 2019, tiếp nhận 717 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã giải quyết 623 tin, đạt 93%, vượt chỉ tiêu 3%. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 82,85%, trọng án đạt 100%; trong đó khám phá nhanh nhiều chuyên án, vụ án nghiêm trọng được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đánh giá cao.
Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo viện kiểm sát nhân dân hai cấp chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thụ lý kiểm sát điều tra 1.155vụ/1.879 bị can, giảm 28 vụ/12 bị can so với cùng kỳ năm 2018 (2,4%); đã truy tố 897 vụ/1.602 bị can, đình chỉ 2 vụ/2 bị can, tỷ lệ giải quyết án đạt 99,7%; đã kiểm sát xét xử sơ thẩm 897 vụ/1.581bị cáo, giảm 57 vụ/81 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 72 vụ/117 bị cáo. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, chất lượng tranh tụng tại phiên toà và chất lư¬ợng các bản luận tội được nâng lên rõ rệt; kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại tòa đã tích cực, chủ động tham gia tranh luận với luật sư và các chủ thể khác nhằm làm rõ chứng cứ luận tội. Công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đã chú trọng nâng cao tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ việc; nâng cao vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực khác được tăng cường; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự rà soát, bàn biện pháp giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 04 kháng nghị phúc thẩm đề nghị xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án; 13 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, 10 kiến nghị yêu cầu các cơ quan chấn chỉnh, khắc phục vi phạm trên các lĩnh vực.
Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các toà, phòng thuộc Toà án nhân dân tỉnh, toà án nhân dân các huyện, Thành phố tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án theo quy định pháp luật. Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết 4.624 vụ, việc, đạt tỷ lệ 96,3%. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo những người tham gia tố tụng như: bị cáo, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các đương sự được đối đáp, tranh luận, thực hiện các quyền khác bình đẳng, đầy đủ và đúng quy định pháp luật. Có 137 vụ án có luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Các phiên tòa diễn ra dân chủ, đúng trình tự tố tụng, đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân. Phán quyết của tòa án đảm bảo dựa trên các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tòa án nhân dân hai cấp đã phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xét xử lưu động 32 vụ và 62 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm; công bố 2.689 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án để nhân dân giám sát, tạo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Tòa án nhân dân 2 cấp thực hiện thành công đề án thí điểm hòa giải đối thoại tại tòa. Số việc hòa giải, đối thoại thành 797 vụ, việc, đạt tỷ lệ 69,5%. Số vụ việc hòa giải, đối thoại không thành 350 vụ, việc, chiếm 30,5%.
Công tác thi hành án hình sự được chú trọng, các ngành đã thường xuyên phối hợp rà soát những bị án bị phạt tù hiện còn tại ngoại để đôn đốc hoặc bắt thi hành án. Tòa án nhân dân hai cấp đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 1.189 bị án, đạt tỷ lệ 100%; trong đó đã thi hành 1.112 bị án, chưa thi hành 77 bị án. Việc ra các quyết định thi hành án hình sự đảm bảo kịp thời, đúng hạn luật định; việc hoãn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đảm bảo có căn cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan công an đã tiếp nhận và tổ chức giam, giữ an toàn 1.073 lượt can, phạm nhân; lập 412 hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 01 hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng; lập 258 hồ sơ đưa vào cơ sở Cai nghiện bắt buộc (Tòa án ra quyết định 200 trường hợp, đã thi hành 141 trường hợp, bỏ trốn 45 trường hợp).
Ban Chi ủy Cục Thi hành án Dân sự tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thi hành xong 4.982 việc, đạt tỷ lệ 84%, vượt 11% so với chỉ tiêu Tổng Cục thi hành án giao; thi hành xong 150.744 triệu đồng, đạt tỷ lệ 42%, tăng 8,5% so với chỉ tiêu giao. Ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành hành án đối với 44 trường hợp, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018; trong đó đã thi hành, cưỡng chế xong một số vụ việc phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự thường xuyên duy trì chế độ giao ban định kỳ theo quy chế phối hợp liên ngành, nhằm đánh giá tình hình, xem xét các vụ việc để có phương án giải quyết dứt điểm; đồng thời, duy trì chế độ giao ban đột xuất khi có các vụ án phức tạp, nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đánh giá cao Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; đồng thời, giao nhiệm vụ trong năm 2020 tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nội chính với các cơ quan liên quan trong việc chủ động nắm, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp.
Nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phối hợp đẩy nhanh tiến độ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, nhất là các vụ án lớn, án trọng điểm, án tham nhũng, kinh tế, không để quá hạn luật định và tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; đảm bảo quyền của bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai chứng cứ; công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của tòa án bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, hạn chế đến mức tối đa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính, phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu công tác được giao, trong đó tập trung giảm tỷ lệ số việc và tiền có điều kiện thi hành từ năm trước chuyển sang năm sau. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực luật sư, giám định tư pháp, công chứng, đấu giá tài sản; tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)