Ninh Bình: Ban hành Kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022

Thứ Sáu, 05/05/2023, 06:24 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng của tỉnh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; phát hiện và xử lý tham nhũng. Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh phải đảm bảo khách quan, khoa học, toàn diện, tiết kiệm, hiệu quả; đúng yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng theo bộ chỉ số và chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
 
    Phạm vi đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh bao gồm: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng của UBND cấp tỉnh; các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
 
Hội nghị phiên thường kỳ tháng 4/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình
Hội nghị phiên thường kỳ tháng 4/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình
    Nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 152/QĐ-TTCP ngày 14/4/2023 của Thanh tra Chính phủ; gồm 04 nội dung, tiêu chí đánh giá, cụ thể:
 
    Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng gồm:  Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đánh giá việc tổ chức thực hiện.
 
    Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng gồm: Công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước (kết quả thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; kết quả cải cách hành chính (PAR năm 2022); kết quả chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI năm 2022); kết quả thực Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; kết quả việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ;  kết quả kiểm soát xung đột lợi ích; kết quả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; kết quả thực hiện quy tắc ứng xử; kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập; kết quả thực hiện Chỉ thị số 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng; kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước).
 
    Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng gồm: Việc phát hiện hành vi tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng. Kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    Đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng gồm: Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác giải quyết đơn tố cáo, phản ánh. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án. Thời kỳ đánh giá tính từ ngày 16/12/2021 đến ngày 15/12/2022.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiến hành xây dựng danh mục tài liệu, số liệu minh chứng theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 “Danh mục tài liệu, số liệu minh chứng của sở, ban, ngành, huyện phục vụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022” ban hành kèm theo Quyết định số 152/QĐ-TTCP ngày 14/4/2023 của Thanh tra Chính phủ. Giao Thanh tra tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành,chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai, hướng dẫn, thu thập thông tin tài liệu, tổng hợp hồ sơ, tài liệu chứng minh, xây dựng Báo cáo tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022.
Bích Hạnh
                                                    (Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
.